Trong giông bão, PVN vẫn phải tiến lên

Trong bối cảnh ngành dầu khí đang ở thời điểm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập, sáng 26/9, Tạp chí Cộng sản và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập”.

trong giong bao pvn van phai tien len Hướng đi mới cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
trong giong bao pvn van phai tien len Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyên góp 3 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt
trong giong bao pvn van phai tien len
TS Hồ Sĩ Thoảng phát biểu tại hội thảo.

PVN cần đổi mới mô hình quản trị, tăng cường chế biến

Phát biểu tại hội thảo, TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng: PVN sau thời kỳ hoàng kim ở thập niên đầu thế kỷ 21, khi giá dầu đạt đỉnh cao trên 100 USD/thùng kéo dài, hiện đang lâm vào “cơn bão khủng hoảng nặng nề nhất từ trước tới nay”.

Sự phát triển nóng, đa ngành, đầu tư ngoài ngành, đặc biệt ở những ngành đầy rủi ro, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đã bộc lộ nhiều “tử huyệt” trong đầu tư và quản lý đầu tư, quản trị doanh nghiệp, giám sát tài chính, kinh doanh của PVN.

Thất bại này càng trầm trọng khi giá dầu rớt đáy kéo dài. Có rất nhiều khó khăn mà PVN đang phải đương đầu, nhưng TS Ngô Thường San nhấn mạnh đến rủi ro trong thăm dò khai thác.

Theo TS San, nhiều mỏ dầu truyền thống, chủ lực như Bạch Hổ, Sư Tử, Rạng Đông, Lan Tây... cung cấp gần 500 triệu tấn dầu quy đổi đã qua giai đoạn đỉnh sau 20 - 30 năm khai thác, trong khi mỏ mới đưa vào khai thác chậm do mỏ nhỏ và thiếu vốn.

Chi phí phát triển khai thác cao, không đủ bù đắp cho sự suy giảm sản lượng chung của toàn tập đàn, đội giá thành thăm dò và khai thác, trong khi giá thế giới đang sụt giảm.

Do thiếu vốn thăm dò nên ngành dầu khí đang lâm vào cảnh mất cân đối trầm trọng giữa trữ lượng gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”.

Ông Phan Ngọc Trung - Ủy viên Hội đồng thành viên PVN cũng thừa nhận: Hiện tiềm năng dầu khí của chúng ta không nhiều và phần lớn nằm ở biển Đông.

Theo ông Trung, đến nay, chúng ta xác nhận trữ lượng khoảng 750 triệu tấn, (tuy con số về trữ lượng có thể thay đổi, không phải con số tĩnh), nhưng với trình độ và điều kiện của ngành dầu khí hiện nay, chúng ta đã khai thác đưa vào sử dụng hơn 430 triệu tấn, tức là hơn một nửa trữ lượng. Về khí, Việt Nam xác định trữ lượng khoảng hơn 730 tỷ m3, thì hiện đã khai thác 170 tỷ m3.

Tức là “trữ lượng không như chúng ta mong muốn, đâu đó chỉ còn những mỏ nhỏ” – dẫn chứng như vậy, ông Trung muốn nhấn mạnh: Không phải vì chúng tôi không có chí tiến thủ, mà trữ lượng dầu có vậy mà tỷ trọng quá lớn thì khiến nền kinh tế của chúng ta có vấn đề.

Tôi muốn ngành dầu khí phát triển, nhưng tôi muốn ngành khác còn phát triển hơn.

Ông bày tỏ cho rằng, ngành dầu khí sẽ phải tự đứng lên, tiếp tục đóng vai trò “driving force” – tức là một nguồn lực kích thích nền kinh phát triển, chứ không phải chiếm tỷ lệ lớn trong GDP hay ngân sách.

Theo PGS TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: PVN phải đổi mới mô hình quản trị, tăng cường chế biến trên nền tảng khai thác.

Đây cũng là điều GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng –nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVN) nhấn mạnh: Chúng ta có thể thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nhưng chúng ta không thiếu con người.

Trong khó khăn hiện tại, TS Thoảng cũng cho rằng “con thuyền” PVN nói riêng và đất nước nói chung vẫn phải tiến lên phía trước và cần người lèo lái con thuyền đó.

Chế biến dầu càng sâu lợi nhuận càng cao

Cũng tại hội thảo, TS Thoảng nhấn mạnh, chế biến dầu khí là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh sinh lợi thấp.

Hiện nay công suất chế biến toàn cầu đang ở mức dư thừa, nhiều nhà máy lọc - hóa dầu được xây dựng từ một số năm trước đây đã được khấu hao hoàn toàn hoặc một phần, lợi nhuận chế biến nói chung thấp, giá dầu thô biến động khó lường, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao trong khi chất lượng dầu thô ngày càng giảm (tỷ lệ dầu nặng ngày càng cao)…dẫn đến“xung khắc” giữa giá thành và giá bán sản phẩm ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh đó, để thu được lợi nhuận tối thiểu có thể chấp nhận được trong chế biến, những chi phí phi sản xuất cần phải được tính toán kỹ để giá thành sản phẩm không bị đội lên đến mức không chịu đựng được.

Mặt khác, không thể không lưu ý xu thế có tính quy luật là chế biến dầu càng sâu thì lợi nhuận càng cao, mặc dầu kèm theo đó là phải đối diện với những thách thức không nhỏ của quá trình liên kết sâu giữa lọc và hóa dầu.

Việt Nam đã có những bước đi ban đầu với Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Tổ hợp lọc - hóa dầu Nghi Sơn.

Về vấn đề này, ông Ngô Thường San cho rằng, trong thiết kế tổng thể FEED do Chính phủ phê duyệt cách đây 20 năm nhấn mạnh sau giai đoạn I Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sẽ phát triển giai đoạn II là nâng cấp, mở rộng phục vụ chiến lược phát triển giai đoạn sau 2015-2035.

Nhiệm vụ của việc nâng cấp là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào với dầu chua Trung Đông - đó là nguồn nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm hóa dầu.

Nâng cấp nhà máy sẽ làm phong phú thêm sản phẩm đầu ra, ngoài nhiên liệu xăng dầu chất lượng cao theo yêu cầu của hội nhập quốc tế còn có sản phẩm hóa dầu, nhựa đường là những sản phẩm phải nhập để đảm bảo nhu cầu thiết yếu hiện nay.

Sau khi nâng cấp, NMLD Dung Quất sẽ chế biến được dầu chua nhập từ Trung Đông, có giá rẻ hơn dầu ngọt khoảng 20% và cho ra sản phẩm giá thành rẻ, cạnh tranh hơn.

Hơn nữa, cần phải nói trong cơ cấu giá thành sản phẩm của nhà máy thì 93-95% chi phí nằm ở giá nguyên liệu dầu thô đầu vào và 5-7% còn lại là chi phí hoạt động sản xuất của nhà máy, biên lợi nhuận thấp, vì thế đa dạng hóa nguồn dầu thô đầu vào phù hợp và hiệu quả nhất với công nghệ nhà máy là nhiệm vụ hàng đầu của PVN và tập thể khoa học công nghệ, quản lý của BSR.

/ M.Loan/daidoanket.vn