Trông bánh chưng, bánh dày khổng lồ, nhớ giấc mộng Lang Liêu

Liệu các bậc tiền nhân trên cao xanh có mỉm cười mãn nguyện khi trông thấy chiếc bánh khổng lồ mà lớp hậu bối dâng lên. Hay các ngài lại phải thở dài khi cái vỏ bọc khoe mẽ, phô trương không che giấu nổi lớp nhân đang bốc mùi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

Cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên bằng những câu chuyện cổ của bà và mẹ, tôi gần như thuộc làu sự tích bánh chưng, bánh dày:

Chàng Lang Liêu sau một đêm nằm mơ gặp thần linh, được ngài dạy rằng thứ quý giá nhất trên thế gian là hạt gạo mọc khắp đồng ruộng đất nước, đã sửa soạn ra món ăn ngon nhất, kết tụ tinh hoa của Đất, Trời và được vua cha trao truyền ngôi báu.

Giấc mộng của chàng trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với các diễn giả thuộc nhiều thế hệ. Đại đa số đều công nhận, đó không phải là thứ may mắn theo kiểu “sung rụng” mà là thành quả sau bao đêm canh cánh âu lo, trằn trọc.

Vốn dĩ, bánh chưng, bánh dày không được làm nên bởi phép màu mà bởi trí tuệ, tinh thần chí hiếu cùng sứ mạng mang lại ấm no cho cả dân tộc của cha ông.

trong banh chung banh day khong lo nho giac mong lang lieu

Bánh chưng, bánh dày càng khổng lồ thì mới chứng tỏ được lòng thành? Ảnh minh họa: Internet.

Nhưng Lang Liêu sẽ không thể ngờ rằng mấy ngàn năm sau, các bậc hậu bối lại đem “phóng đại”, hay nói chính xác hơn là bóp méo sáng tạo hoàn hảo của chàng, khiến dư luận xôn xao hết lần này tới lần khác.

Dĩ nhiên, họ không sục sạo rừng rú hay biển sâu để tìm của ngon vật lạ đắt đỏ, quý hiếm như anh em của chàng khi xưa. Họ cũng chọn thứ gạo nếp đặc sản quê hương cùng những gia vị quen thuộc, tượng trưng cho Trời Đất, vạn vật để làm bánh chưng, bánh giày nhưng thay vì gói ghém chúng bằng trực cảm, tinh thần cha ông, họ đua nhau tạo ra những sản vật khổng lồ, cốt để thiết lập danh hiệu “to nhất”.

Còn nhớ, hình ảnh về những chiếc bánh chưng, bánh dày, chai rượu khổng lồ với trọng lượng lên đến hàng tấn xuất hiện liên tục và tràn ngập trên các phương tiện truyền thông vào dịp tết Nguyên đán và lễ giỗ Tổ hằng năm khiến không ít độc giả chưng hửng, ngao ngán.

Những tưởng quan điểm cứng rắn của tỉnh Phú Thọ năm 2016, rằng “không có chuyện bánh chưng, bánh dày “khủng” tồn tại trong lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương” cùng phản ứng gay gắt của dư luận sẽ làm các công ty, đơn vị chùn bước trước cuộc đua “món ăn to”.

Thế nhưng mới đây, UBND TP.Sầm Sơn đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép dâng chiếc bánh dày kỷ lục, nặng hơn 3 tấn lên đền Hùng vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2018.

Một lần nữa, câu hỏi về mức độ tương xứng giữa kích thước món ăn và trình độ văn hóa, tư duy, nhận thức lại khiến nhiều người trăn trở.

Đành rằng, tiền làm ra món ăn kỷ lục không xuất phát từ ngân sách. Đành rằng số tiền làm bánh không thể cứu giúp tất cả những mảnh đời bất hạnh.

Nhưng liệu các bậc tiền nhân trên cao xanh có mỉm cười, có vui hơn khi trông thấy chiếc bánh khổng lồ ấy. Hay các ngài lại phải thở dài khi vỏ bọc đầy hào nhoáng – sản phẩm của thói khoe mẽ, phô trương không che giấu nổi lớp nhân đang bốc mùi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

Phải chăng bởi quan niệm “Tốt lễ dễ cầu” nên người ta sẵn lòng tảng lờ trường hợp bánh to nhưng lòng thành lại nhỏ hoặc tệ hơn là không có?

Chợt nhớ tới câu chuyện đúc chuông tại một làng nọ. Vì viên phó lý khinh rẻ đồng xu lấy từ cái bị của ông lão ăn mày, thẳng tay vứt xuống ao mà chuông đúc đến lần thứ ba vẫn khuyết, lỗ hổng vừa bằng đồng xu bị ném đi. Chỉ đến khi tìm được đồng xu kia, việc đúc chuông mới diễn ra suôn sẻ, tiếng chuông ngân nga tới tận ngày hôm nay.

Cần phải hiểu rằng, chiếc chuông kia không hoàn thiện nhờ một đồng xu, mà bởi tấm lòng thành của người hành khất.

Nên chăng ta hãy thắp một nén tâm nhang để tưởng nhớ công lao trời bể của các bậc tiền nhân, rồi san sẻ nguồn lực tạo nên các kỷ lục về miếng ăn cho những đồng bào đang đói rét ngoài kia?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

trong banh chung banh day khong lo nho giac mong lang lieu Sầm Sơn còn nhiều việc cần làm hơn lập kỷ lục bánh dày khổng lồ

Sự tích bánh chưng bánh dày đa số người Việt đều biết. Ngoài việc lý giải sự có mặt của chiếc bánh chưng, bánh dày, ...

trong banh chung banh day khong lo nho giac mong lang lieu Làm bánh dày “kỷ lục” 3 tấn dâng vua Hùng: Vẫn bám tư duy phô trương, hình thức!

UBND TP. Sầm Sơn có công văn xin phép về việc làm chiếc bánh dày nặng 3 tấn dâng lên đền Hùng nhân dịp giỗ ...

/ http://www.nguoiduatin.vn