- Mưa phùn, nồm ẩm tiếp diễn ở Hà Nội và nhiều nơi tại miền Bắc, TP Hồ Chí Minh nắng nóng
- Cuối tuần, Bắc bộ đón nắng ấm, tạm kết thúc nồm ẩm do không khí lạnh tràn xuống
- Hiện tượng thời tiết nồm ẩm ở khu vực Bắc bộ kéo dài đến tháng 4
Sự bất cẩn của người dân có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy bất cứ lúc nào, song những ngày thời tiết nồm ẩm đang diễn ra ở miền Bắc cũng là “thủ phạm” làm gia tăng số vụ cháy trong những ngày qua.
Lý giải nguy cơ cháy ngay cả khi mưa ẩm
Tưởng phi lý nhưng lại rất có lý khi nói tiết trời nồm ẩm ở miền Bắc đang diễn ra là một trong những nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn. Thực tế là vậy, bởi đó là tác nhân khiến người dân phải gia tăng mua máy sấy quần áo, máy hút ẩm trong nhà và thường xuyên bật máy điều hòa… Tất cả những thiết bị điện đều tiềm ẩn nguy cơ cháy.
Đơn cử, vụ cháy xảy ra lúc 22h45 ngày 28-2-2022, tại chung cư Gemek 2 xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội do nguyên nhân sử dụng máy sấy quần áo.
Tại nơi xảy ra vụ cháy, khói bao trùm hành lang nhưng nhờ trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) tốt, nên người dân vừa chủ động chữa cháy ban đầu, vừa đưa nhiều người ra khỏi tòa nhà an toàn.
Tiết trời tương tự vào những năm trước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ do nguyên nhân từ máy sấy quần áo và thiết bị điện. Với độ ẩm cao như đang diễn ra ở miền Bắc thì việc phơi quần áo, chăn, đệm, vải vóc… đều là nỗi sợ hãi bởi càng phơi thì càng ẩm ướt, kể cả để vài ngày trên tầng thượng. Để xử lý nỗi “kinh hoàng” trời ẩm cho những bộ đồ len sợi, vải vóc chỉ có thể là những chiếc máy sấy - giải pháp tối ưu cho lúc này.
Và thế là "cơn" mua sắm máy sấy quần áo rộ lên trong mấy ngày qua hiển thị trên các trang mạng xã hội và cửa hàng thiết bị điện, siêu thị điện máy cũng tấp nập tại các quầy bán máy sấy đồ dùng, vải vóc.
Đương nhiên, máy mới sẽ ít xảy ra sự cố hơn máy đã mua từ năm ngoái hoặc cũ hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không phải không tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm, chuyên gia cấp 1 về PCCC và CNCH, phụ trách lĩnh vực an toàn PCCC cho hay: “Việc sử dụng thiết bị điện đúng cách, quy định hướng dẫn an toàn của nhà sản xuất và tuân thủ an toàn PCCC thì sẽ hạn chế cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Còn hiện tại, việc thời tiết nồm ẩm, người dân sử dụng máy sấy cần phải lưu ý về thiết bị gia đình mình đang có, bởi mỗi thiết bị có độ an toàn cao thấp khác nhau. Trên thực tế hiện nay có một số máy sấy quần ấo đơn giản quây bằng vải, ni lông dựng bởi khung thép phía dưới có mô tơ quạt và mai so tạo nóng. Khi móc quần áo vào trong tủ sấy này, nếu sơ ý quần áo rơi khỏi móc hoặc để máy chạy quá lâu cũng đều có thể gây cháy máy và dẫn tới cháy lan ra nhà…”.
Máy sấy quần áo kiểu này, nếu sử dụng cần cẩn trọng |
Cùng với những lo ngại về máy sấy quần áo thì hiện nay, nỗi lo về máy hút ẩm di động cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Điều đáng nói, những thiết bị này người dân để chạy nhiều ngày dẫn đến quá tải tiềm ẩn nguy cơ cháy, hoặc máy cất đi lâu ngày mới bỏ ra sử dụng mà không kiểm tra.
Có nhiều người đặt câu hỏi tại sao mưa ẩm ướt lại dễ chập cháy hệ thống điện? Phân tích về sự cố này, Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng CAQ Tây Hồ, phụ trách lĩnh vực PCCC và CNCH cho hay: “Ẩm ướt có thể làm cho nguồn điện chập chờn, đánh tia lửa điện và chập cháy khi các điểm nối, ổ nối không chuẩn, hở hoặc ô xy hoá. Các thiết bị cũng vậy, dây diễn, nguồn dẫn, vi mạch trong thiết bị máy sấy, máy hút ẩm bị chập chờn do ẩm mạch dẫn đến chập cháy khi có đồ đạc bắt lửa để gần cạnh có thể làm cháy lan, cháy lớn…”.
Thường xuyên kiểm tra thiết bị điện trước khi sử dụng
Sự tin tưởng và ỷ lại vào thiết bị điện thông minh cũng là nguy cơ gia tăng cháy nổ. Với những chiếc máy sấy, máy hút ẩm đều có cảm biến tự ngắt khi đầy nước hoặc khi khô đồ vải vóc, len sợi… Tuy nhiên, máy móc là do con người làm ra nên sự tuyệt đối là không có, vẫn có sác xuất “hẹn giờ”, nhưng không tắt. Đặc biệt là đối với những máy hút ẩm, máy sấy đã dùng từ những năm trước...
Sở dĩ gặp sự cố chập cháy bởi thiết bị bảo quản không đúng quy cách, máy bị ô xy bản mạch khi dùng thời gian dài, quá tải dẫn đến chập cháy và cháy lan.
Mây sấy đồ dạng máy giặt bị cháy do chủ nhân để hoạt động quá tải |
Đã. Có nhiều vụ cháy do chủ nhân dùng máy sưởi, máy hút ẩm để làm khô quần áo vào dịp thời tiết “đặc biệt” như mấy ngày qua. Với không gian chật hẹp như nhiều gia đình ở phố cổ, quận nội thành việc sắp xếp chỗ ngủ còn khó, vậy nên đồ đạc, quần áo, chăn màn thường để khoảng cách gần thiết bị điện. Trong đêm ngủ say quên và máy móc bị đổ không biết, hoặc quá tải dẫn đến chập cháy và lan vào đống quần áo, đồ dùng khi cháy lớn mới phát hiện thì quá muộn.
Để hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy, nổ xảy ra, đặc biệt cháy nổ do sử dụng thiết bị sấy, sưởi, hút ẩm… lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức, thay đổi nhận thức người dân trong sinh hoạt, sử dụng đồ điện.
Thượng tá Đỗ Anh Quyến khuyến cáo: “Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã xảy ra một số vụ cháy liên quan đến các thiết bị sấy quần áo, bàn là, máy hút ẩm… chủ yếu là những sơ ý do sự chủ quan và thiếu hiểu biết của người sử dụng thiết bị điện và vấn đề này đang phổ biến hiện nay. Qua các vụ cháy cho thấy, thực trạng người dân thiếu kiến thức về an toàn PCCC và không biết cách sử dụng thiết bị điện vẫn còn phổ biến”.
Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, việc sử dụng các thiết bị sấy quần áo rẻ tiền, các thiết bị không được kiểm định chất lượng tốt thiếu an toàn phòng cháy, chữa cháy, đó là thiết bị không chuyên dụng, nhưng do nhà sản xuất “chế” với mô tơ quạt gió gắn sợi đốt nóng và tủ quây bằng khung sắt, vải bạt dùng vào việc sấy khô quần áo.
Những thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao, bởi quần áo móc phía trên và máy làm nóng để phía dưới theo kiểu “xông khói”. Do đó, chỉ một sơ suất trong thời gian sấy không để ý, rơi quần áo xuống máy có thể gây cháy thiết bị dẫn đến cháy nhà.
Tuy nhiên, những ngày vừa qua nhiều người dân đưa ra cảnh báo trên trang cá nhân của mình về việc máy hút ẩm chạy quá tải nên báo lỗi liên tục. Nguyên nhân do độ ẩm cao khiến khoang chứa nước nhanh đầy, nên máy báo đèn đỏ trong thời gian 1 đêm dẫn đến hư hỏng và chập cháy thiết bị…
Để đảm bảo an toàn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP khuyến cáo:
Quần áo trước khi cho vào sấy phải được vắt khô để tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn, vì trong quá trình sử dụng, quần áo được vắt khô sẽ làm tăng khả năng cách điện, cũng như thời gian sấy. Đặc biệt, không cho quần áo dính dầu mỡ vào trong máy sấy vì nó sẽ tạo ra phản ứng dẫn đến cháy. Không nên đặt máy trong môi trường ẩm ướt như nhà tắm, tránh chỗ chơi của trẻ con và không được đặt các vật dễ cháy ở gần. Ngoài ra, người dùng cũng nên lựa chọn sản phẩm chính hãng để được bảo hành và xử lý kịp thời những hỏng hóc phát sinh trong quá trình sử dụng.
Thiết bị điện hút ẩm đồ "bãi" tiềm ẩn cháy nổ do thời gian sử dụng quá hạn |
Cùng với việc sử dụng máy sấy an toàn, cơ quan PCCC cũng khuyến cáo an toàn phòng cháy tại gia đình những ngày nồm, ẩm là thường xuyên kiểm tra thiết bị điện như: bình nóng lạnh, tủ lạnh, bếp từ… Bởi, thời tiết ẩm thấp có thể làm ngưng tụ nước tại các bản mạch, thậm chí ẩm ướt lâu ngày có thể tạo giọt chảy vào các ổ điện gây giật, hoặc chập cháy bất cứ lúc nào.
Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC số 114, hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
https://www.anninhthudo.vn/troi-nom-am-la-nguy-co-hoa-hoan-post530400.antd