- Hà Nội: Chỉ số bùng dịch sốt xuất huyết tại nhiều nơi cao vượt ngưỡng, người dân vẫn chủ quan
- Sốt xuất huyết đã vượt mốc 300.000 ca
Hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đã lạnh hơn với mức nhiệt không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo, số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng loại bỏ các vật dụng chứa nước, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Tối 19-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9 đến 16-12), số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao và có thêm 2 trường hợp tử vong.
Cụ thể, trong tuần ghi nhận 1.165 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 11% so với tuần trước đó), trong đó có 2 ca tử vong tại 2 huyện Đan Phượng và Thường Tín.
Trong tuần qua, bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hà Đông dẫn đầu với 176 ca, tiếp đến là Đống Đa với 77 ca, Phú Xuyên (67 ca), Chương Mỹ (66 ca), Hoàng Mai (66 ca), Thạch Thất (64 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18.788 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5,6 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 22 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 566/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Ngoài ra, theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 22 ổ dịch mới tại 8 quận, huyện, trong đó, quận Đống Đa có 7 ổ dịch, tiếp đến là Hà Đông (5 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (3 ổ dịch), Hai Bà Trưng (2 ổ dịch), Hoài Đức (2 ổ dịch), Đan Phượng (1 ổ dịch), Thanh Trì (1 ổ dịch), Phúc Thọ (1 ổ dịch).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.395 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 82 ổ dịch đang hoạt động tại 18 quận, huyện.
So với tháng 10 và tháng 11-2022, CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Hiện nay, thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo, số ca mắc sẽ giảm dần trong thời gian tới.
“Dù vậy, người dân không nên chủ quan, vì thời tiết trở lạnh song nhiệt độ chỉ giảm về đêm và sáng sớm, thời tiết vẫn có nắng từ trưa đến chiều. Do đó, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động”, CDC Hà Nội lưu ý.
Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).
Tiến sĩ Lê Đình Toàn, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức thần kinh, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, tất cả bệnh nhân khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cần đến khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi, đặc biệt là những trường hợp giảm tiểu cầu nghiêm trọng; tránh để bệnh diễn biến nặng lên, ảnh hưởng đến chỉ định, thời gian can thiệp ngoại khoa ở những người bệnh có biến chứng nguy hiểm như chảy máu não, chảy máu nội tạng.