Học sinh Trung Quốc, Na Uy, Đan Mạch đã đi học lại từ tháng 4, trong khi một số nước châu Âu sắp mở cửa lại trường học tuần tới.
Cuối tháng 1, Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, khi Covid-19 bùng phát. Tiếp theo, 20 tỉnh thành và khu vực cũng bị phong tỏa hoặc áp đặt lệnh hạn chế, buộc khoảng 200 triệu học sinh phải học trực tuyến hồi tháng 2. Ngày 18/3, lần đầu Trung Quốc ghi nhận không có ca nhiễm nội địa mới và bắt đầu nới lỏng hạn chế.
Trong khi các trường học ở 9 tỉnh đã mở lại từ đầu tháng 4 cho học sinh cuối cấp, các trường cấp ba ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đến 27/4 mới mở lại để chuẩn bị cho thi đại học.
Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu học sinh phải kiểm tra thân nhiệt tại cổng trường, cung cấp mã số sức khỏe chứng nhận không nhiễm nCOv qua ứng dụng điện thoại di động.
Đài Loan không đóng cửa trường học nhưng kéo dài kỳ nghỉ đông thêm 10 ngày hồi tháng 2 để khử trùng các cơ sở giáo dục, phân phối vật tư y tế và ra quy định mới cho các trường có học sinh nhiễm nCoV. Các trường học ở Đài Loan đều kiểm tra thân nhiệt học sinh, một số trường thậm chí còn quây bàn học bằng tấm chắn nhựa để tăng cường biện pháp phòng ngừa.
Học sinh Hàn Quốc dự kiến đi học lại vào giữa tháng 5, sau khi chính phủ quyết định nới lỏng cách biệt cộng đồng vào 6/5. Ngoài trường học, công sở cũng quay lại nhịp sống bình thường nhưng vẫn phải tuân thủ quy định phòng dịch như không đứng gần nhau quá 2 mét. Hàn Quốc đến ngày 3/5 ghi nhận 10.793 ca nhiễm nCoV và từ 30/4 quốc gia này không báo cáo ca nhiễm cộng đồng mới.
Tại châu Âu, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên mở cửa lại trường học từ 15/4. Tuy nhiên, chỉ học sinh mầm non và tiểu học được tới trường. Bàn học trong lớp phải cách nhau hai mét, học sinh chia ca học, đồng thời vẫn phải tuân thủ những hướng dẫn cách biệt cộng đồng khác. Trường trung học và đại học vẫn đóng cửa.
Sau Đan Mạch là Na Uy, khi các trường mầm non được mở lại hôm 20/4 và học sinh tiểu học quay lại trường từ 27/4. Để khuyến khích cách biệt cộng đồng, chính phủ Na Uy kêu gọi chia lớp thành những nhóm không quá 15 em và hướng dẫn học sinh tự lau bàn mỗi ngày, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác. Các cấp học cao hơn và đại học vẫn đóng cửa tới khi có thông báo mới.
Tại Đức, một vài trường cấp ba đã mở lại từ đầu tháng 4 để học sinh làm bài thi cuối cấp; đa số dự kiến mở lại trong tuần tới. Học sinh chuyển cấp một lên hai và học sinh cần làm bài thi có thể đi học lại từ hôm nay. Tuy nhiên, các em vẫn phải tuân thủ những quy định nghiêm về cách biệt cộng đồng và giữ gìn vệ sinh. Điều này nói thì dễ làm thì khó, bởi trẻ nhỏ rất hào hức khi được gặp lại các bạn. Lớp học sẽ được chia làm hai, các nhóm học xen kẽ ở trường và ở nhà. Các môn thể thao và âm nhạc được loại khỏi chương trình giảng dạy vì bị coi là rủi ro cao. Mẫu giáo và nhà trẻ vẫn đóng cửa.
Nhiều nước châu Âu cũng sắp mở lại trường học trong những tuần tới. Các biện pháp vệ sinh đang được áp dụng khắp châu Âu gồm rửa tay, khử trùng, cách biệt cộng đồng, chia sân chơi để đảm bảo học sinh không tập trung đông quá mức. Giờ ra chơi cũng khác nhau để đảm bảo quy định giãn cách.
Một số trường cấp một ở Pháp được phép mở cửa tại những vùng có số ca nhiễm thấp. Các trò chơi với bóng, thể thao có tiếp xúc vật lý đều bị cấm, đồ vật có nhiều hơn một học sinh chạm vào phải khử trùng. Ca học được xếp xen kẽ và tối đa 15 học sinh, giờ giải lao cũng theo ca để tránh tụ tập quá đông ở hành lang và sân chơi.
Còn tại New Zealand, sau khi chính phủ hạ mức phong tỏa hôm 27/4 và sẽ duy trì mức này trong hai tuần, Thủ tướng Jacinda Arden tuyên bố cha mẹ được phép quyết định có cho con em quay lại trường trong tuần này hay không. Tuy nhiên, bà khuyến khích cha mẹ cho con em ở nhà nếu có thể.
Hồng Hạnh (Theo BI/Guardian)