Trên 40% học sinh ở thành thị thừa cân, béo phì

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thừa cân béo phì lứa tuổi học đường cũng đang báo động.

Hiện nay Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép. Đó là tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao. Cụ thể, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (22,4% năm 2019) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn so thành phố, đồng bằng. Tỉ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%.

Trong khi đó, tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng tiến hành trong giai đoạn 2017-2018 với cỡ mẫu 5000 học sinh từ 75 trường từ Tiểu học đến THCS; THPT (thuộc 25 xã/phường) trên một số tỉnh thành phố cho thấy, tỉ lệ thừa cân/béo phì chung ở học sinh là 29,0%. Tỉ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%.

3338 1130 131798948680723512 tre em beo phi

Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít hoạt động thể lực là những nguyên nhân gây gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy có đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày );

Mức tiêu thụ muối hiện nay cao gần gấp 2 lần mức khuyến nghị của WHO là 5gam muối/người/ngày tương đương với 8g bột canh, hoặc 25ml nước mắm, hoặc 35ml xì dầu. Có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực, tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương..

Chính vì vậy, mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam năm 2017 cả nước có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76% (411.600 ca), trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout,...

Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Nga, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện sức khỏe cho học sinh, trong đó tăng thời lượng hoạt động thể lực cho các em trong trường học chứ không chỉ ngoại khóa. "Cần hướng dẫn, truyền thông giáo dục tới học sinh và cả phụ huynh những chế độ ăn uống hợp lí. Chẳng hạn như, tuyên truyền để học sinh không uống nước ngọt nhiều, ăn nhiều rau, trái cây thay vì những đồ ăn chứa nhiều đường và muối. Những trường thực hiện bữa ăn học đường cũng cần chú ý đến điều này để tạo thói quen ăn uống cho học sinh", bà Nga lưu ý.

Trước đó, ngày 8/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án, Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" (gọi tắt là Đề án 41).

Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa.

PV (th)

Cậu bé 15 tuổi bị đuổi học vì béo Cậu bé 15 tuổi bị đuổi học vì béo
Làm gì để giảm nguy cơ béo phì ở trẻ? Làm gì để giảm nguy cơ béo phì ở trẻ?
Nhà giàu vỗ béo cho con, thiếu nhi đã mắc bệnh chưa có thuốc chữa Nhà giàu vỗ béo cho con, thiếu nhi đã mắc bệnh chưa có thuốc chữa

/ Nghề nghiệp và cuộc sống