Trẻ bị xâm hại:Cha mẹ mắng xối xả, cô giáo vô tình

 Nhiều trường hợp trẻ bị lạm dụng tình dục bị tổn thương thêm do cách xử lý thô bạo và vô tình của người lớn.

Tại tọa đàm "Nhận biết và xử lý vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em trong môi trường học đường" do Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM tổ chức ngày 11/5, nhiều trường hợp trẻ bị lạm dụng tình dục tổn thương thêm vì cách ứng xử thô bạo, vô tình của người lớn đã được các chuyên gia, giáo viên tham vấn tâm lý đề cập.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, giảng viên trường Đại học Hoa Sen, cho biết số lượng các vụ xâm hại ngày càng nhiều, nguyên nhân là do sự hiểu biết cũng như chủ quan của các bậc làm cha làm mẹ.

"Nhưng điều khiến tôi băn khoăn làm sao để trẻ bị xâm hại nói ra điều đó mới là quan trọng", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Ân nhấn mạnh.

Thực tế, khi trẻ bị xâm hại, bản thân trẻ rất đau đớn và bị tổn thương trầm trọng. Thế nhưng khi trẻ đã cố gắng nói ra sự việc trên với bố mẹ thì nhiều trường hợp lại bị mắng xối xả. Đó có thể là phản ứng tự nhiên của một người làm cha, làm mẹ khi nghe tin sét đánh về con mình. Nhưng các bậc phụ huynh không biết chính điều đó sẽ khiến con sợ, bị khủng hoảng, co mình lại và không muốn chia sẻ gì nữa.

“Đáng lẽ việc nên làm lúc đó là cha mẹ nên cho con hiểu rằng đó không phải là lỗi của con. Hãy vỗ về, an ủi, xóa tan đi cảm giác tội lỗi trong con và cho con thấy rằng đó chỉ là một tai nạn và nhanh chóng đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ biết cách trao đổi, trò chuyện với trẻ”, ông Ân chia sẻ.

Cũng theo ông Ân, nhiều học trò khi có chuyện đều tìm đến phòng tham vấn tâm lý của trường như một chỗ dựa bởi các em nghĩ, ở đó các em sẽ được lắng nghe và giữ bí mật.

tre bi xam haicha me mang xoi xa co giao vo tinh
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em. Ảnh: SGGP

“Thế nhưng thực tế đã có sự việc một học trò bị lạm dụng tình dục đến trò chuyện với chuyên viên tâm lý tại trường. Nhưng chính chuyên viên tâm lý đó lại đi nói câu chuyện này với những thầy cô khác. Các thầy cô không có trách nhiệm bảo mật thông tin vì họ không được đào tạo và thế là mọi chuyện rùng beng, cả trường đều biết về trường hợp của em đó. Và cuối cùng, hậu quả mà một đứa bé phải chịu sẽ rất nặng nề. Vậy giữa việc im lặng vì bị lạm dụng và việc nói ra câu chuyện của mình rồi bị mọi người biết, chế giễu, trẻ sẽ chọn cách nào. Vì thế thiết nghĩ vấn đề bảo mật thông tin tại phòng tham vấn tâm lý rất quan trọng, nó là nguyên tắc sống còn”, ông Ân nói.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đưa ra lời khuyên: "Khi chuyện đã xảy ra thì cần giải thích cho con hiểu rằng đây không phải là lỗi lầm của con mà là tai nạn. Trẻ bị lạm dụng tình dục thường sẽ bị sang chấn tâm lý, tự kỷ… Nhưng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khi học sinh biết được thủ phạm đã bị pháp luật trừng trị thích đáng thì các em mạnh mẽ đứng dậy, đi học lại một cách bình thường".

Cô Huỳnh Mai, giáo viên tâm lý học đường, Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: "Tôi từng có 2 năm làm việc ở một mái ấm. Vì vậy, tôi biết có nhiều học sinh sau khi bị lạm dụng tình dục còn bị tổn thương thêm do cách xử lý thô bạo và vô tình của người lớn.

Khi một học sinh nữ bị lạm dụng và ra máu, cô giáo vì quan tâm đến em nên kêu em lấy tờ giấy lót trên ghế để ngồi. Tuy nhiên, cô lại nói điều đó trước cả lớp. Khi em khóc thì cô giáo lại rất ngạc nhiên và tỏ ra khó chịu: 'Cô có làm gì đâu mà em khóc?'. Thế là em bỏ về, hôm sau nhất quyết không chịu đi học. Đó là hậu quả của sự thiếu hiểu biết".

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng: "Các thầy cô giáo đừng tự ái mà nên đi học tập huấn, nghe báo cáo chuyên đề để có cách hành xử đúng mực với học sinh. Tôi lấy ví dụ trong giờ học tin học, thầy giáo cúi xuống hướng dẫn cho học sinh nhưng cần tránh những đụng chạm có thể xảy ra. Hoặc trong giờ thể dục, thấy học sinh đứng nghiêng đứng ngả thì đừng khó chịu, nóng tính mà phát vào mông em một cái, bắt em đứng đàng hoàng, thẳng lưng. Như thế là sai".

Bà Nữ cũng khẳng định: “Im lặng là tội ác, là cơ hội để kẻ hiếp dâm tiếp tục phạm tội”.

Luật sư Ngọc Nữ kể: “Tại một diễn đàn nói về nạn xâm hại tình dục trẻ em, khi tôi nói im lặng là tội ác, có một nghệ sĩ đã khóc. Sau khi kết thúc diễn đàn, người nghệ sĩ đó đã lên ôm tôi và khóc. Chị kể lúc 8 tuổi chị đã bị chồng của dì xâm hại. Chị có nói với mẹ nhưng mẹ chị nói rằng con cố gắng chịu đựng hãy xem như không có chuyện gì xảy ra, mẹ sẽ dọn đi chỗ khác. Thế nhưng, trong khi đợi dọn nhà đi, đứa em ruột của chị lại bị chính người đó xâm hại. Lần này người nhà đã mạnh dạn tố cáo và kẻ đó đã bị xử lý. Thế nhưng chị vẫn hối hận vì chính sự im lặng của mình đã ảnh hưởng tới cả cuộc đời của đứa em”.

Bà Ngọc Nữ cho biết thêm, thời gian qua Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã gặp 4 trường hợp như câu chuyện kể trên, đó là bé chị bị xâm hại không nói ra và sau đó bé em lại tiếp tục bị. “Chúng ta nên nhớ rằng, nếu người nhà biết không tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình thì chỉ cần người thứ ba biết chuyện vẫn có thể khởi tố dù người nhà không đồng ý. Trẻ em có quyền được sống, quyền được bảo vệ, và chúng tôi sẽ làm đến cùng để bảo vệ quyền lợi các em”, bà Ngọc Nữ nhấn mạnh.

tre bi xam haicha me mang xoi xa co giao vo tinh Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị xâm hại tình dục?

Nhiều người không dám tố cáo kẻ ấu dâm vì sợ ảnh hưởng tâm lý trẻ, điều này tưởng là tốt cho trẻ nhưng thực ...

tre bi xam haicha me mang xoi xa co giao vo tinh Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị xâm hại tình dục

Bạn cần đặt ra câu hỏi, tìm hiểu và có kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho trẻ khi thấy một số dấu hiệu này.

/ http://baodatviet.vn