Trong phần tranh luận, VKS cho rằng, học sinh cấp 2-3 cũng phân biệt được công ty tài chính và ngân hàng, huống chi các bị cáo.
Trong hai ngày 20-21/9, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội (VKS) và các bị cáo, cùng luật sư bào chữa có phần tranh luận trong vụ án thất thoát 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam).
Trong phần luận tội, VKS thấy có đủ căn cứ để cáo buộc hai cựu tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng ký phê duyệt trái với Luật bảo hiểm, cho Công ty cho thuê tài chính ALC - ALC II do Vũ Quốc Hảo (tổng giám đốc) vay hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 14 hợp đồng vay vốn.
Bốn thuộc cấp gồm Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính), Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) giữ vai trò giúp sức.
Ông Ban (áo trắng, hàng trên) và ông Hồng (áo xanh, ngoài cùng bên phải) tại tòa. |
Trước cáo buộc trên, luật sư bào chữa cho ông Lê Bạch Hồng nói rằng, thân chủ làm tổng giám đốc trong thời gian ngắn, khi thấy người tiền nhiệm (ông Nguyễn Huy Ban) đã làm trước đó cùng với các thư bảo lãnh nên ký phê duyệt. "Thân chủ tôi là người xốc vác, luôn nghĩ về công việc nên không thể ngồi im", luật sư trình bày.
Luật sư bảo vệ cho ông Nguyễn Phước Tường cho rằng, thân chủ căn cứ vào số tiền nhàn rỗi BHXH đang có, cùng với việc những người tiền nhiệm đã làm trước đó nên đã có những tờ trình cho ALC II vay vốn.
Viện dẫn Điều 96 và 97 Luật bảo hiểm, VKS cho rằng pháp luật quy định rõ về nguyên tắc đầu tư và hình thức đầu tư nguồn vốn từ Quỹ bảo hiểm. "Đầu tư chứ không phải cho vay và không có một dòng nào quy định cho công ty, doanh nghiệp vay vốn", đại diện VKS đối đáp.
Cũng theo công tố viên, quy định pháp luật quá rõ ràng, không cho phép mà vẫn thực hiện trái phép. Cán bộ công chức phải tuân thủ theo pháp luật.
Các luật sư bào chữa cho ông Ban, Hồng và Tường nói rằng, thân chủ cho ALC II vay là đúng, pháp luật không cấm. Trong đó, luật sư của ông Tường cho rằng, không thể buộc người khác biết điều không biết.
VKS lập tức phản ứng gay gắt: "Nếu như lời các luật sư nói, cho vay pháp luật không cấm thì các bị cáo cứ thế mang tiền về nhà cho người khác vay rồi mang tiền lãi về là được? Kể cả khi có thư bảo lãnh của Agribank, các bị cáo với chức trách, nhiệm vụ cũng phải xem xét đầy đủ, ALC II có phải đối tượng cho vay hay không".
VKS bác bỏ quan điểm của bị cáo Ban và luật sư cho rằng không biết quy định pháp luật về đối tượng cho vay. "Một học sinh cấp 2, cấp 3 cũng phân biệt được công ty cho thuê tài chính có khác với ngân hàng hay không", công tố viên đối đáp.
Liên quan đến cáo buộc các bị cáo phải liên đới cùng với Agribank trả tiền cho BHXH Việt Nam khoản 1.700 tỷ đồng thất thoát, luật sư khẳng định: "Agribank chính là ngân hàng phải chịu trách nhiệm". Vì vậy, theo quan điểm của luật sư thiệt hại của vụ án không có.
VKS bác bỏ, nói rằng, thực tế việc sai phạm của các bị cáo đến nay đã có hậu quả. Bằng chứng là khi ALC II phá sản, đã không thanh toán cả gốc lẫn lãi cho BHXH Việt Nam 1.700 tỷ đồng.
Khi cho ALC II vay, việc không xem xét công ty này hoạt động ra sao của các bị cáo đã dẫn đến thất thoát số tiền lớn của Nhà nước. Năm 2008-2009, khi vay tiền, ALC II đã nợ "đầm đìa", con số lên tới 12.000 tỷ đồng. Khi ALC phá sản, công ty này có gần 1.000 chủ nợ.
Sau hơn một ngày tranh luận, chiều 21/9 chủ tọa cho các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi tuyên án vào chiều 25/9 (thứ tư) tới.
Ông Ban nói không tâm phục, khẩu phục trước cáo buộc của VKS. Cả bị cáo Hồng và Tường đều nói không cố ý và mong xem xét thấu đáo.
Ngày 20/9, VKSND Hà Nội đã đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Huy Ban và Nguyễn Phước Tường cùng mức án 15-16 năm, Lê Bạch Hồng và Hoàng Hà mỗi bị cáo 8-9 năm; Trần Tiến Vỹ 3-4 năm cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trần Thanh Thủy 24-30 tháng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.