Việc ca sĩ Noo Phước Thịnh chỉ trích nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã sử dụng ca khúc của mình mà không xin phép tiếp tục khiến vấn đề bản quyền nóng lên, cần thẳng thắn đối diện một cách nghiêm túc.
Vô tư “xài chùa”
Noo Phước Thịnh tỏ ra khá bất ngờ khi biết thông tin ca khúc “Mãi mãi bên nhau” (sáng tác Đỗ Hiếu) xuất hiện trong đoạn khúc cuối của phim “Ngôi nhà bươm bướm” ra mắt vào ngày 30.8. Nam ca sĩ khẳng định chưa hề nhận được lời đề nghị về việc sử dụng ca khúc từ nhà sản xuất. Thậm chí, Noo Phước Thịnh viết rõ ràng cùng lời khẳng định đây không phải là “chiêu trò PR”: “Việc sử dụng bản thu của tôi sẽ khiến nhiều người hiểu lầm mình đang tham gia hát nhạc phim, nhưng sự thật thì cá nhân tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến dự án này. Hành động đó cũng đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đang sử dụng chất xám và sức sáng tạo của tôi một cách bất hợp pháp”, nam ca sĩ bức xúc.
Êkíp sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” vướng vào tranh chấp bản quyền ca khúc với ca sĩ Noo Phước Thịnh. Ảnh: T. L |
Noo Phước Thịnh với công ty quản lý riêng quyết định làm rõ và theo đuổi sự việc đến cùng, bởi thái độ thiếu tôn trọng từ nhà sản xuất. Anh cũng cho hay, ở thời điểm hiện tại, làng giải trí Việt đang ngày càng phát triển, đồng nghĩa vấn đề bản quyền cũng được nâng cao. Tuy nhiên, việc nhà sản xuất thực hiện một bộ phim ra rạp lại làm việc thiếu chuyên nghiệp về bản quyền, thiếu tôn trọng nghệ sĩ thì không thể chấp nhận được.
Bên cạnh yêu cầu gỡ bỏ ca khúc “Mãi mãi bên nhau” ra khỏi bộ phim, ca sĩ còn yêu cầu êkíp sản xuất công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời bồi thường thiệt hại 500 triệu đồng do hành vi vi phạm quyền tác giả gây tổn thất về vật chất lẫn tinh thần.
Sau khoảng thời gian im lặng, hiện tại diện êkíp sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” bày tỏ thái độ thiện chí cũng như khẳng định sẵn sàng bồi thường thiệt hại. Đại diện êkíp sản xuất cũng cho biết, vì lý do chưa hiểu hết về bản quyền tác giả nên chỉ xin phép Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc (VCPMC) mà “bỏ qua” đến sự đồng ý từ nhạc sĩ.
Noo Phước Thịnh không phải trường hợp đầu tiên bị “xài chùa” ca khúc, một việc làm khá phổ biến, chuyện “bình thường ở huyện” trong lĩnh vực giải trí tại Việt Nam. Mỹ Tâm là một trong những ca sĩ bị “xài chùa” ca khúc nhiều nhất trên mọi mặt trận, từ nhạc chuông, nhạc chờ đến các trang nghe nhạc trực tuyến... Giọng ca “Hoạ mi tóc nâu” bày tỏ ngạc nhiên trước sự lạ kỳ khi vô tư kinh doanh ngay trước mắt “chính chủ” sở hữu và thu về khoản lợi nhuận tiền tỉ. Ngoài việc là ca sĩ tiên phong kiên quyết khởi kiện, đòi lại sự công bằng của những đơn vị vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Mỹ Tâm cũng nhấn mạnh rằng, thứ nhận lại quan trọng không phải là tiền bạc mà công sức của nghệ sĩ bỏ ra cần được nhìn nhận đúng và xứng đáng.
Và cách ứng xử văn minh
Trước tranh chấp với êkip sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm”, chính bản thân Noo Phước Thịnh đã từng phải rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề bản quyền ca khúc. Năm 2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” đã bị Youtube gỡ bỏ khi một phần đoạn nhạc trong MV của Noo Phước Thịnh bị công ty nắm giữ bản quyền là Epic Elite “tố” đã sử dụng ca khúc “The Way” của nhạc sĩ Zack Hemsey. Công ty này đã gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân TPHCM và để yêu cầu bồi thường vi phạm lên đến 850 triệu đồng, con số kỷ lục tại thị trường âm nhạc Việt Nam thời điểm đó. Sau đó, Noo Phước Thịnh và êkíp thẳng thắn thừa nhận do không hiểu rõ về luật nên đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép đơn vị giữ bản quyền. Bên cạnh việc gửi lời xin lỗi và đàm phán đưa ra hướng giải quyết giữa đôi bên, nam ca sĩ nhanh chóng chỉnh sửa và phát hành lại MV.
Tương tự với trường hợp với Noo Phước Thịnh, ca sĩ Bảo Anh cũng “lao đao” không ít khi MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” bị kiện vi phạm bản quyền sử dụng đoạn nhạc không có sự cho phép của tác giả. Việc này khiến Bảo Anh buộc phải thoả thuận cũng như tốn hơn 100 triệu đồng mua tác quyền từ nhà soạn nhạc Ivan Torrent mới có thể giữ lại MV triệu view mà không bị Youtube thẳng tay “xoá sổ”.
Sự thiếu hiểu biết, giữa “tranh tối tranh sáng” không nắm rõ luật bản quyền, nhất là ở lĩnh vực âm nhạc khiến cho câu chuyện bản quyền kéo dài không có hồi kết mà khán giả là những người bất đắc dĩ phải theo dõi một bộ phim dài tập mang nhiều... kịch tính, đúng như với đánh giá của luật sư Nguyễn Thanh Hà rằng, việc bảo vệ tác quyền, bản quyền âm nhạc Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của cá nhân hay tổ chức. Nó dường như là một bức tranh lộn xộn, chẳng theo một quy chuẩn, không chủ đề và đầy tùy tiện...