Tránh câu hỏi muôn thuở dịp Tết vì Covid-19

Hạn chế đi lại mà Trung Quốc áp đặt khiến nhiều người không về quê ăn Tết, nhưng một số thấy nhẹ nhõm vì tránh được câu hỏi như "lương thế nào", "bao giờ lấy chồng".

Trong 6 năm kể từ khi Du Zini đi làm xa nhà, cô chưa bao giờ không về quên ăn Tết. Du, đang làm việc tại một công ty lâm nghiệp ở Nam Ninh, cách quê nhà ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc hơn 700 km, luôn mong chờ đến hai tuần nghỉ ngơi thoải mái bên bố mẹ.

"Tôi hết ăn lại ngủ. Ăn xong thì đi chơi. Mỗi ngày đều thảnh thơi và thoải mái", cô gái 28 tuổi nói. "Ngay khi tôi về đến nhà, mọi áp lực đều tan biến".

Tuần trước, Du đã hủy vé máy bay về quê do các hạn chế phòng dịch. Mẹ của Du lo lắng con gái sẽ cô đơn nên gửi cho cô nguyên liệu để làm một vài món ăn truyền thống.

Năm thứ hai liên tiếp, hàng triệu người như Du bỏ lỡ kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm - thời gian để đoàn tụ gia đình, quay quần bên mâm cỗ, thăm họ hàng và gặp gỡ bạn bè khi chính quyền cố gắng kiểm soát các đợt bùng phát nCoV mới.

0719 zldvtytfu4i6xbdieg6er4d74u 8059 1612585301

Một phụ nữ tại nhà ga ở Bắc Kinh ngày 27/1. Ảnh: AP.

Trong vài tháng qua, giới chức Trung Quốc cố gắng thuyết phục người dân không đi lại trong dịp nghỉ lễ bằng cách trợ cấp tiền mặt, cung cấp dữ liệu di động miễn phí và thậm chí còn tạo điều kiện đăng ký hộ khẩu tại thành phố. Quốc vụ viện Trung Quốc chỉ thị cho các quan chức hướng dẫn người dân đón Tết "tại chỗ" thay vì đi lại khắp cả nước.

Các ngôi làng ở tỉnh Hà Nam treo những biểu ngữ lớn màu đỏ cảnh báo người dân: "Mang virus về nhà là bất hiếu. Lây cho bố mẹ là vô lương tâm". Một ngôi làng ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc giăng biểu ngữ: "Năm nay khách đến nhà, năm sau khách thăm mộ".

Dịp Tết năm nay đến vào thời điểm nhạy cảm ở Trung Quốc. Hơn 20 triệu người ở miền bắc đang đang chịu các mức độ phong tỏa và hạn chế khác nhau vì những đợt bùng phát dịch mới. Nhóm chuyên gia của WHO đang ở Vũ Hán để điều tra nguồn gốc nCoV.

Nhiều người dân không chỉ thất vọng mà còn tức giận trước các biện pháp khắt khe mà chính quyền địa phương đã áp dụng để hạn chế người dân đi lại, nhằm tránh bùng phát dịch bệnh trong địa bàn của họ.

Mùa xuân vận (hành trình về quê ăn Tết của người Trung Quốc) năm nay dự kiến có lưu lượng đi lại thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Các quan chức Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc dự tính có 1,2 tỷ chuyến đi, so với 3 tỷ trong năm 2019 và giảm hơn 20% so với năm ngoái, khi nhiều gia đình ở yên tại nhà vào thời điểm bùng phát dịch bệnh cao điểm ở Trung Quốc.

Ngày 31/1, 4 ngày sau khi Xuân vận bắt đầu, giới chức cho biết lượng người đi tàu giảm 75% so với cùng kỳ năm trước. Các bức ảnh được đăng trên mạng hôm 5/2 cho thấy một ga xe lửa Bắc Kinh vắng vẻ.

Những người vẫn cố về quê đối mặt rào chắn là các quy định bổ sung, đôi khi mâu thuẫn của địa phương. Về lý thuyết, người dân về các vùng nông thôn chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm nCoV âm tính được thực hiện trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương đưa ra hạn chế không chính thức, như bắt buộc cách ly tập trung hay niêm phong nhà của người dân để yêu cầu tự cách ly.

Tại Kê Tây, thành phố thuộc tỉnh Hắc Long Giang, một người dân về quê vào tuần trước và giới chức đến niêm phong nhà cô, yêu cầu cô cách ly trong 7 ngày. Đầu tuần này, giới chức đã xin lỗi và gỡ niêm phong.

Tại Thiên Tân, thành phố ven biển với hơn 15 triệu dân, những người trở về các quận ngoại thành của thành phố được lệnh cách ly tại nhà 14 ngày. "Tôi mệt quá! Chính sách thay đổi hàng ngày và mỗi quận quy định một kiểu. Cuối cùng, không ai có thể về nhà", một người viết trên Weibo.

"Năm ngoái chúng ta không thể tụ họp. Bây giờ, tình hình đã tốt hơn rất nhiều nhưng chúng ta vẫn không thể. Như thế là hơi quá đà", một người khác viết.

Hôm 31/1, Mi Feng, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, yêu cầu chính quyền địa phương bỏ các biện pháp bắt buộc xét nghiệm và cách ly với những người đi từ các khu vực có nguy cơ thấp. Mi mô tả các hạn chế này là "quản trị lười biếng" và "lãng phí nguồn lực".

Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy trong cái rủi có cái may. Việc không thể về quê nghĩa là họ sẽ không phải đối mặt với các câu hỏi "muôn thuở" dịp Tết từ họ hàng như "lương thưởng khá không", "bao giờ kết hôn". Những người khác cho biết họ rất vui vì tránh được những cuộc nhậu nhẹt say sưa với bạn bè và đồng nghiệp.

"Đối với tất cả những chàng trai trong độ tuổi kết hôn, những người hàng năm đều tìm cớ để không về quê, đại dịch cho họ một lý do hoàn hảo", một người dùng Weibo viết. Anh rất vui khi không trở lại Thâm Quyến năm nay.

"Thật tuyệt. Tôi sẽ không bị mọi người giục lấy chồng", một cô gái từ tỉnh Cát Lâm viết.

Những người sống tại các khu vực bị phong tỏa gần Bắc Kinh có kỳ nghỉ Tết kéo dài thêm vài tuần. Sui Ruiqiu, 33 tuổi, phiên dịch viên tiếng Pháp làm việc tại Bắc Kinh, mắc kẹt tại quê ở Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, nơi đã cấm giao thông ra vào kể từ đầu tháng một, khi một loạt trường hợp mới xuất hiện.

Cô dành cả ngày để đọc sách, xem TV với mẹ hoặc chơi với cháu trai hai tuổi. Những chiếc đèn lồng và đèn nhấp nháy được giăng khắp thành phố vào dịp Tết, nhưng không khí không náo nhiệt như những năm trước. Từ cửa sổ, cô ấy có thể thấy đường phố gần như không một bóng người.

"Năm ngoái, chúng tôi đã không thể quây quần nhiều người ăn cỗ, không thể đón mừng Tết thực sự", cô nói.

Tuy nhiên, Sui không bận tâm đến việc Tết năm nay có thể cũng sẽ tĩnh lặng như vậy. "Bố mẹ nói với tôi rằng: Chỉ cần con ở nhà, như thế đã là Tết".

Phương Vũ (Theo Washington Post)

Phong tỏa khu Mả Lạng Phong tỏa khu Mả Lạng
Thêm 4 ca COVID-19 mới trong cộng đồng tại TP.HCM Thêm 4 ca COVID-19 mới trong cộng đồng tại TP.HCM
Hà Nội có thêm 2 người dương tính SARS-CoV-2 ở quận Ba Đình, Nam Từ Liêm Hà Nội có thêm 2 người dương tính SARS-CoV-2 ở quận Ba Đình, Nam Từ Liêm

/ vnexpress.net