Hai làn ngoài cùng cầu Chương Dương dành cho xe máy, nhưng Hà Nội đã cho phép ôtô đi vào, làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sau tai nạn xe Mercedes đâm gãy 10 m lan can cầu Chương Dương và lao xuống sông Hồng khiến hai phụ nữ tử vong tối 3/11, nhiều người tranh cãi về việc bố trí phân làn ôtô trên cây cầu nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên này.
Phân luồng trái với thiết kế cầu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Cầu Chương Dương được khai thác từ năm 1985, với thiết kế 4 làn xe. Hai làn ôtô trong cùng rộng 7 m, cho xe chạy hai chiều. Hai làn cánh gà mỗi làn rộng 3,5 m, dành cho xe máy.
Từ năm 2003, Hà Nội tiếp nhận quản lý cầu từ Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu cho ôtô đi vào làn xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài. Mỗi đầu cầu có biển báo cấm xe đạp, người đi bộ và hạn chế taxi vào giờ cao điểm. Làn dành cho xe máy có biển cấm xe tải, xe khách, xe 9 chỗ trở xuống hoạt động.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều xe buýt hơn 40 chỗ và xe tải trên một tấn vẫn chạy vào làn xe máy (làn hỗn hợp). Vào giờ cao điểm, cầu Chương Dương thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ kéo dài.
Phần đầu ôtô bị nát vụn, túi khí bị vỡ sau khi rơi từ cầu Chương Dương xuống sông Hồng. Ảnh: Sơn Tuyến
Hàng ngày qua cầu Chương Dương vào trung tâm thành phố làm việc, anh Nguyễn Văn Thể ở Long Biên, cho biết giờ cao điểm xe buýt, xe tải nhỏ, xe 4-5 chỗ chiếm gần hết phần đường, khiến xe máy phải đi bám sát lan can cầu.
"Nếu xảy ra một va chạm nhỏ, xe buýt đánh lái bất ngờ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong khi lan can cầu phần lớn là thanh sắt cao hơn một mét, trải qua mấy chục năm nhiều đoạn đã hoen gỉ", anh Thể nói và cho rằng Hà Nội cần phân luồng đúng như thiết kế cầu, không để ôtô đi vào làn xe máy như hiện nay.
Nhiều năm làm nhiệm vụ ở cầu Chương Dương, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1, cho rằng giải pháp cho ôtô đi vào làn xe máy tạm thời giải quyết được ùn tắc kéo dài, nhưng gây khó khăn cho việc phân luồng, nguy hiểm cho các xe qua lại.
"Với thiết kế làn đường rộng 3,5 m dành cho xe máy, đồng nghĩa với việc phần lan can cầu chỉ chịu được tai nạn từ xe máy. Khi cho ôtô đi vào, trong tình huống khẩn cấp, tài xế ôtô có thể đánh lái tránh, đâm hỏng lan can và lao xuống sông", thượng tá Quỹ phân tích.
Theo ông Quỹ, Sở Giao thông nên nghiên cứu để tổ chức lại giao thông cầu cho hợp lý, tránh những tai nạn tương tự. Hiện có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng, như Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Hà Nội có thể phân luồng bớt phương tiện sang các cầu này để giảm tải cho Chương Dương.
Lan can cầu bị hỏng đã được thay thế. Ảnh: Phương Sơn
Tai nạn hy hữu, lỗi không phải do cầu
Chuyên gia giao thông, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng ôtô đâm đổ lan can và rơi xuống sông Hồng là tai nạn hy hữu trong hơn 30 năm cầu Chương Dương hoạt động. Lỗi phần lớn thuộc về tài xế chứ không phải do kết cấu hay lan can cầu không đảm bảo.
Ông Thủy cho biết thêm, thời điểm khánh thành, cầu Chương Dương ước tính có 6.000-7.000 lượt xe qua lại, tuy nhiên đến nay lượng phương tiện đã quá tải. Bộ Giao thông và liên ngành Hà Nội cho phép ôtô đi vào làn xe máy là để giải quyết bài toán tình thế.
"Về lâu dài, thành phố nên chỉ để cho xe máy đi vào làn cánh gà là tốt nhất, vừa đảm bảo đúng thiết kế, vừa giữ an toàn cho phương tiện", ông Thủy nói.
Trao đổi với VnExpress sáng 6/11, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội, đơn vị quản lý cầu Chương Dương, cho rằng hai làn đường ngoài cùng tuy được thiết kế cho xe máy, nhưng vẫn đảm bảo cho ôtô có tải trọng tối đa 6 tấn đi qua. Hệ thống lan can cũng đảm bảo an toàn do được bảo dưỡng thường xuyên.
Sau tai nạn hy hữu, công ty tiếp tục rà soát hệ thống lan can cầu Chương Dương, nhưng không phát hiện được tình trạng hoen gỉ, xuống cấp. "Với hệ thống này, ôtô chạy đúng tốc độ tối đa 40 km/h và giữ khoảng cách an toàn thì khó có thể đâm hỏng", bà Thủy khẳng định.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị quản lý cầu Chương Dương cho biết thời gian tới sẽ rà soát thiết bị đảm bảo an toàn, nghiên cứu lại việc phân luồng, phát hiện những bất cập để đề xuất liên ngành thành phố có phương án điều chỉnh cho hợp lý.
Làn ngoài cùng được thiết kế cho xe máy, tuy nhiên để tránh ùn tắc, đến nay xe buýt, xe 4-9 chỗ được đi vào. Ảnh: Phương Sơn
Trước đó 19h30 ngày 3/11, chiếc Mercedes chạy theo hướng từ Long Biên về trung tâm Hà Nội bất ngờ đâm văng gần 10 m lan can cầu Chương Dương rồi rơi xuống sông Hồng. Lực lượng chức năng điều gần 20 tàu và canô tìm kiếm. Phải mất 5 tiếng, đội mới trục vớt được chiếc xe lên bờ.
Theo Công an quận Long Biên, tai nạn khiến cả tài xế Bùi Kim Chi (21 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) và chủ xe là Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) tử vong. Khi được trục vớt, phần đầu xe bị biến dạng, túi khí bị vỡ. Tài xế vẫn trong tư thế nắm chặt hai tay vào vô lăng.
Xe Mercedes lao xuống sông Hồng, 2 người chết: Cầu Chương Dương thiếu an toàn trên làn hỗn hợp
Chuyên gia cho rằng, cho phép ô tô đi vào làn hỗn hợp thì cầu Chương Dương phải có lan can bê tông, còn lan ... |
Cô gái 9X lái chiếc Mercedes lao xuống sông Hồng
Công an Hà Nội xác định người cầm lái chiếc Mercedes tông gãy lan can cầu Chương Dương trước khi rơi xuống sông Hồng là ... |