Một số người cho rằng khoảng cách giàu nghèo ở Pháp được thể hiện rõ khi các tỷ phú nhanh chóng cam kết góp hàng trăm triệu USD phục dựng nhà thờ.
Tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà Paris bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn ngày 15/4. Ảnh: AFP.
Khi đám cháy nhà thờ Đức Bà Paris còn chưa được dập tắt hoàn toàn, François-Henri Pinault, người giàu thứ hai ở Pháp, đã cam kết ủng hộ 100 triệu EUR (113 triệu USD) vào sáng 16/4. Ông là người đứng đầu tập đoàn xa xỉ phẩm Kering, sở hữu các thương hiệu thời trang Gucci and Saint Laurent.
Vài giờ sau, lãnh đạo tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH Bernard Arnault, tỷ phú giàu nhất châu Âu và là đối thủ của nhà Pinault, cam kết ủng hộ 200 triệu EUR (226 triệu USD).
Gia đình Bettencourt-Meyer, cổ đông lớn nhất của L'Oreal, cũng cam kết đóng góp 200 triệu EUR. Chỉ hai ngày sau vụ cháy, quỹ đóng góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris đã vượt một tỷ USD.
Việc công trình lịch sử có giá trị văn hóa và tôn giáo như nhà thờ Đức bà Paris nhận được sự chú ý lớn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, việc các tỷ phú đua nhau ủng hộ khoản tiền khổng lồ đã làm gia tăng phẫn nộ về khoảng cách giàu nghèo. Một số người chỉ trích rằng những người giàu có đang sử dụng bi kịch quốc gia làm cơ hội đánh bóng tên tuổi.
"Bạn có thể tưởng tượng được không, họ cho đi 100 triệu USD, 200 triệu USD nhẹ như không!", Philippe Martinez, người đứng đầu công đoàn CGT nói. "Việc này thực sự cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Pháp".
"Nếu họ có thể góp hàng chục triệu USD để phục dựng nhà thờ Đức Bà thì họ nên ngừng nói với chúng tôi rằng họ không có tiền để bù đắp cho sự bất bình đẳng xã hội", Martinez nói thêm.
Ollivier Pourriol, triết gia và tiểu thuyết gia người Pháp, viết trên Twitter: "Victor Hugo cảm ơn tất cả các nhà tài trợ hào phóng sẵn sàng cứu nhà thờ Đức Bà và đề nghị họ làm điều tương tự với Những người khốn khổ", đề cập đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Hugo về cuộc sống của người nghèo.
Trên Twitter, Facebook và trong khán phòng của Nghị viện châu Âu, nhiều người đặt câu hỏi vì sao một sự cố không có người thiệt mạng lại nhận được quá nhiều sự hào phóng.
Họ bày tỏ thất vọng rằng các thảm họa khác như khủng hoảng tị nạn Syria và Iraq hay vụ hỏa hoạn tháp Grenfell khiến hơn 70 người chết ở London không nhận được mức độ hỗ trợ tương tự.
Francois-Henri Pinault (trái) và Bernard Arnault. Ảnh: AFP.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là thuế. Các khoản từ thiện được khấu trừ thuế 60% ở Pháp, khiến một số người cho rằng Pinault, Arnault và những bên ủng hộ khác không hào hiệp như nhiều người nghĩ.
Thuế vốn là tâm điểm đấu tranh của phong trào Áo vàng. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào mùa thu năm ngoái ban đầu nhằm phản đối thuế xăng dầu nhưng sau đó biến thành làn sóng phản đối mức sống giảm - điều nhiều người Pháp cho là hệ quả của thuế cao.
Những người biểu tình gọi Macron là "tổng thống của người giàu" vì trong năm đầu nhiệm kỳ, ông đã loại bỏ "thuế nhà giàu" (những hộ gia đình Pháp có giá trị tài sản trên 1,4 triệu USD phải đóng thêm thuế dù họ đã bị đánh thuế thu nhập cá nhân) nhằm thúc đẩy đầu tư. Người biểu tình Áo vàng kêu gọi Macron khôi phục "thuế nhà giàu" nhưng ông từ chối.
Trước những nghi ngờ về vấn đề thuế, gia đình Pinault ngày 17/4 tuyên bố họ từ bỏ tất cả lợi thế về thuế có thể nhận được từ khoản đóng góp của mình.
LVMH bác bỏ quan điểm cho rằng họ chỉ đang cố gắng đánh bóng hình ảnh. "Điều duy nhất quan trọng là gây quỹ càng nhiều càng tốt để giải quyết vấn đề cấp bách này, điều đó vượt ra ngoài mọi tính toán về thuế hoặc tài chính", phát ngôn viên của LVMH trả nói.
Trong khi đó, Markus Renner, giáo sư quản lý thương hiệu ở Thụy Sĩ, cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy Pinault, Arnault và nhà Bettencourt cam kết đóng góp quá sớm. "Sao không chờ đến khi các chuyên gia ước tính cần bao nhiêu tiền để phục dựng rồi sau đó mới đóng góp", ông đặt câu hỏi.
Thiệt hại của nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn ngày 15/4. Video: AFP.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 17/4 tìm cách hạ căng thẳng trong một cuộc họp báo.
"Chúng ta phải vui mừng khi cả những cá nhân có thu nhập thấp lẫn những cá nhân rất giàu có và các doanh nghiệp muốn tham gia vào nỗ lực phục dựng nhà thờ là trái tim của lịch sử chúng ta", ông nói.
Một số người Pháp như nhân viên dịch vụ khách hàng ở sân bay Grace Kitoudi cho rằng vấn đề đã bị thổi phồng.
Cô nhấn mạnh khủng hoảng Áo vàng và vụ cháy nhà thờ Đức Bà là hai cuộc tranh luận rất khác nhau. "Đừng làm mọi việc rối rắm. Nếu chúng ta có thể quyên góp để phục dựng công trình tuyệt vời này thì đó là điều rất tốt", Kitoudi nói.
Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Lính cứu hỏa cầu viện vũ khí bí mật
Trong lúc ngọn lửa lan rộng và nhiệt độ bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris tăng cao không khác gì lò nướng, chỉ huy ... |
Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nạn nhân của phá hoại?
Vụ hỏa hoạn mới xảy ra không phải là lần đầu tiên Nhà thờ Đức Bà Paris đối mặt với sự phá hủy |
Phương Vũ (Theo NYTimes/ Reuters)