Nhiều người lo ngại kế hoạch dời thủ đô từ Jakarta tới Borneo sẽ gây lãng phí và đe dọa môi trường tại trung tâm hành chính mới.
|
|
Cảnh ách tắc vào buổi sáng trên một con đường ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm qua xác nhận thủ đô của nước này sẽ được chuyển từ Jakarta đến đảo Borneo và có thể đặt tại tỉnh Trung Kalimantan, Đông Kalimantan hoặc Nam Kalimantan.
Borneo có diện tích 743.300 km2, là đảo lớn thứ ba thế giới và lớn nhất ở châu Á. Ba quốc gia có lãnh thổ trên đảo Borneo là Brunei, Malaysia và Indonesia, trong đó Indonesia chiếm 73% diện tích. Thủ đô Jakarta hiện nằm trên đảo Java, nơi có diện tích khoảng 128.000 km2 nhưng tập trung tới 60% dân số Indonesia.
Việc di dời trung tâm hành chính của Indonesia đã được thảo luận suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng vấn đề trở nên cấp bách khi Jakarta đang chìm xuống dưới mực nước biển với tốc độ nhanh nhất thế giới và tình trạng ách tắc giao thông cũng vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại 7 tỷ USD mỗi năm.
Cuối thập niên 1970, tổng thống Indonesia Suharto từng có chuyến đi dọc theo bờ biển tỉnh Đông Kalimantan và ngưỡng mộ cảnh sắc nơi đây. Ông không bao giờ ngờ được rằng hơn 4 thập kỷ sau, nó có thể sẽ trở thành thủ đô mới của Indonesia.
Nếu chuyển thủ đô từ Jakarta về Kalimantan, Indonesia sẽ di dời trung tâm hành chính của mình từ một đô thị công nghiệp với mật độ dân cư dày đặc sang một đô thị nằm giữa thiên nhiên.
Từng được nhìn nhận như một quốc gia yếu kém về bảo tồn thiên nhiên, chính phủ Indonesia giờ đây muốn thay đổi cách nhìn về mình qua việc xây dựng một thành phố giữa những tán cây.
"Nếu địa điểm mới gần với khu vực rừng rậm của Kalimantan, thiết kế của thủ đô mới sẽ giống như một thành phố rừng. Nó sẽ thực sự hồi sinh khu rừng đang được bảo tồn", Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Bambang Brodjonegoro cho hay. "Phương châm của thành phố sẽ là Thông minh, Xanh và Tươi đẹp. Một thành phố xanh sẽ là trọng tâm trong kế hoạch của chúng tôi".
Theo Bộ trưởng Bambang, Kalimantan được lựa chọn vì nơi đây ít xảy ra các thảm họa thiên nhiên. Mặt khác, việc lựa chọn Kalimantan cũng giống như "cú gật đầu đầy thiện chí" với những vùng đất và con người bị lãng quên của quần đảo Indonesia.
"Chuyển thủ đô là một phần trong chiến lược nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình bẳng, đặc biệt là giữa Java và các khu vực khác. Gánh nặng của Java là quá lớn và chúng tôi hiểu đã đến lúc phải cứu lấy Java", ông nói. "Chúng tôi muốn đa dạng hóa. Chúng tôi muốn tạo ra những động lực tăng trưởng mới".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo chính phủ Indonesia cần cẩn trọng trước đại kế hoạch di dời thủ đô và nên học hỏi các bài học thành công lẫn thất bại từ những quốc gia khác như Brazil, Myanmar, Ai Cập hay Malaysia.
Một số nước đã thành công trong việc giảm thiểu dân số thủ đô, nhưng một số dự án được đánh giá là lãng phí khi thủ đô mới bị biến thành một "thành phố ma" rất ít người sinh sống.
Elisa Sutanudjaja, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đô thị Rujak, cho rằng việc di chuyển thủ đô sẽ không mang đến sự cải thiện đáng kể nào bởi nó chỉ tác động tới một phần nhỏ trong hơn 30 triệu dân ở Jakarta.
"Nó tiêu tốn quá nhiều công sức, từ sửa đổi luật đến tính toán để đảm bảo ngân sách", Sutanudjaja nói. "Dù di chuyển thủ đô, chính phủ vẫn cần tìm cách khắc phục những vấn đề của Jakarta bởi nhiều vấn đề ở đó là sản phẩm từ chính sách của chính phủ".
Ý tưởng di dời thủ đô không phải mới ở Indonesia. Tổng thống Sukarno từng đưa một kế hoạch di dời vào chương trình nghị sự của mình trong thập niên 1950, không lâu sau khi Indonesia giành độc lập. Tổng thống Suharto cũng muốn dời thủ đô tới một thành phố lân cận ở Java vào những năm 1990 nhưng kế hoạch trên đã bị hủy.
Người dân Palangkaraya ở Trung Kalimantan tin rằng thành phố này chắc chắn sẽ trở thành thủ đô mới của Indonesia. Thành phố mô phỏng thủ đô Washington DC của Mỹ, với các đảo giao thông lớn cùng những trung tâm mua sắm và đại lộ rộng thênh thang do người Nga thiết kế.
"Tổng thống Sukarno từng muốn xây dựng một thành phố mới như Washington DC, một thành phố kiểu mẫu cho Indonesia. Tham vọng của ông được hiện thực hóa ở Palangkaraya", Thống đốc Trung Kalimantan Sugianto Sabran, khẳng định.
Nhưng quỹ đất công của Palangkaraya hiện không còn nhiều và đất tại đây chủ yếu là đầm lầy và than bùn, gây khó khăn cho việc xây dựng thủ đô mới, Wijanarka, kiến trúc sư kiêm giảng viên đại học ở địa phương cho hay.
Bên cạnh đó, Palangkaraya cũng tồn tại một số điểm yếu khác như thiếu các cơ sở hạ tầng quan trọng cùng khả năng tiếp cận cảng biển, hai tiêu chí chủ chốt trong nghiên cứu kế hoạch di dời thủ đô của chính quyền trung ương.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm nơi đặt thủ đô mới không quá xa các thành phố chức năng và tất nhiên phải có sẵn cơ sở hạ tầng", Bộ trưởng Bambang hồi tháng 6 cho biết. "Chúng tôi không muốn phải xây sân bay lớn mới, cảng biển mới hay hệ thống giao thông đường bộ mới".
|
|
Một đồn điền cọ ở Bukit Soeharto. Ảnh: Channel News Asia. |
Một ứng viên nổi bật khác là thành phố Bukit Soeharto thuộc bang Đông Kalimantan. Nó nằm giữa hai thành phố biển quan trọng của Indonesia là Balikpapan và Samarinda, nơi khả năng kết nối, giao thương sẽ được gia tăng đáng kể nhờ một con đường nhiều làn sắp hoàn thành. Cả hai thành phố đều sở hữu các cảng biển, sân bay hiện đại và những khu du lịch còn tiềm năng phát triển.
"Chúng tôi hy vọng Tổng thống sẽ chọn Đông Kalimantan bởi chúng tôi đã có sẵn những cơ sở vật chất cần thiết và không cần cải thiện quá nhiều", lãnh đạo tỉnh Muhammad Sabani nói.
Nhưng các nhà môi trường lo ngại việc chuyển thủ đô về Đông Kalimantan sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thiên nhiên tại đây.
"Nếu xây dựng thủ đô mới ở đây, chức năng của rừng sẽ thay đổi. Chính phủ phải giải phóng mặt bằng nếu muốn xây các khách sạn và trung tâm mua sắm. Chúng tôi phản đối kế hoạch này", Hafidz Prasetyo, lãnh đạo ban chiến dịch vận động thuộc tổ chức môi trường phi chính phủ Walhi ở Đông Kalimantan, nói. "Chính phủ nên cân nhắc lại kế hoạch. Xin hãy quan tâm hơn tới tương lai của những cánh rừng".
Dù vậy, với người dân trong vùng, việc Bukit Soeharto có thể được chọn làm thủ đô mới khiến họ rất phấn khích. Đây sẽ là cơ hội thay đổi cuộc sống của người dân.
"Khi Tổng thống Jokowi tới thăm, chúng tôi xếp hàng để gặp ông ấy. Thật tuyệt vời", Putri Ayu, người dân Bukit Soeharto, cho hay. "Tôi biết Đông Kalimantan là một trong các ứng viên có thể thành thủ đô mới và tôi ủng hộ".
|
|
Con đường sắp hoàn thành nối Balikpapan và Samarinda. Ảnh: Channel News Asia. |
Indonesia sẽ dời thủ đô từ Jakarta sang đảo Borneo
Kế hoạch dời thủ đô được đưa ra do tình trạng tắc nghẽn giao thông, lũ lụt thường xuyên và tốc độ sụt lún đất ... |
Động đất mạnh ở Indonesia: 1 người chết, hàng nghìn người đi sơ tán
Trận động đất mạnh xảy ra ở khu vực đảo Sumatra và Java của Indonesia khiến ít nhất 1 người chết, 34 ngôi nhà bị ... |
Động đất 7 độ gây cảnh báo sóng thần ở Indonesia
Indonesia phát cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân sơ tán đến địa điểm trên cao sau trận động đất ngoài khơi đảo Sumatra ... |
Vũ Hoàng (Theo CNA, Bloomberg)