Tranh cãi Mỹ nới quy định khẩu trang giữa Covid-19

Mỹ nới quy định đeo khẩu trang với người tiêm vaccine nhằm khuyến khích tiêm chủng, song giới chuyên gia cho rằng quyết định này quá vội vàng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 13/5 thông báo những người đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở hầu hết mọi địa điểm. Với không ít người, đây là một tín hiệu vui, cho thấy Mỹ đang từng bước thoát khỏi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế công cộng và các nhà dịch tễ học lại tỏ ra bất ngờ với quyết định này.

Theo một cuộc khảo sát do New York Times thực hiện đối với các chuyên gia dịch tễ học, 80% số người tham gia nói họ nghĩ người Mỹ vẫn cần đeo khẩu trang tại những không gian công cộng khép kín. Chỉ 5% cho rằng mọi người không cần đeo khẩu trang trong nhà vào mùa hè này.

Tranh cãi Mỹ nới quy định khẩu trang giữa Covid-19

Tấm áp phích kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài ở San Francisco, Mỹ, hồi năm ngoái. Ảnh: AP.

Tại những đám đông lớn ngoài trời, như một buổi hòa nhạc hay biểu tình, 88% số chuyên gia thực hiện khảo sát cho rằng ngay cả những người đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn cần đeo khẩu trang.

"Nếu tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 80-90% trong vài tháng tới, chúng ta vẫn nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà", Vivian Towe, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kết quả Lấy bệnh nhân làm Trung tâm, cho hay.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 723 nhà dịch tễ học từ ngày 28/4 đến 10/5, trước khi CDC đưa ra hướng dẫn mới về việc đeo khẩu trang. Trong khảo sát, các nhà dịch tễ học được hỏi về những nguy cơ từ hoạt động tụ tập thành nhóm ngoài trời và việc ở trong nhà với những người không rõ tình trạng tiêm chủng.

Tình huống cuộc khảo sát đặt ra phù hợp với hướng dẫn mới của CDC, quy định về hành vi ở những nơi công cộng, bất kể quy mô, nơi chúng ta không thể biết rõ tình trạng tiêm chủng của người xung quanh.

Các quan chức y tế liên bang cho biết những người đã tiêm chủng có thể ở trong nhà một cách an toàn với những người được tiêm chủng khác. Đây là điều mà các nhà dịch tễ học đa phần đều đồng tình.

Nhưng hướng dẫn mới từ CDC còn nói khẩu trang không còn cần thiết với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, bất kể quy mô cuộc tụ tập họ tham gia ra sao và ở trong nhà hay bên ngoài, trừ một số trường hợp cụ thể, như trong phòng khám bác sĩ hay trên phương tiện công cộng.

Nhìn chung, các nhà dịch tễ học rất cẩn trọng khi đề cập tới Covid-19. Gần 3/4 số chuyên gia tham gia khảo sát tự mô tả họ là người không ưa rủi ro và họ hoàn toàn thoải mái với việc làm tại nhà suốt một năm qua. Họ thừa nhận không ít người Mỹ sẽ không muốn tiếp tục đeo khẩu trang và thực tế nhiều người đã dừng đeo.

Đeo khẩu trang "là việc làm cần thiết và đây là một câu hỏi rất khác với việc ta sẽ sử dụng chúng trong bao lâu nữa", Sophia K., nhà dịch tễ học tại Hội đồng Great Lakes Inter-Tribal, nhận định. "Tôi dự đoán đến cuối năm 2021, hầu hết mọi người sẽ từ chối đeo khẩu trang, thậm chí tại nơi công cộng, dù đại dịch có còn hay không".

Nhiều nhà dịch tễ học đồng tình với quan điểm của CDC về việc nếu người dân tiêm chủng đầy đủ, họ có thể tụ tập mà không cần đề phòng. Nhưng CDC còn đi xa hơn khi cho phép người được tiêm chủng ngừng đeo khẩu trang trong cả những nhóm không rõ số lượng người chưa tiêm chủng.

"Câu hỏi đặt ra là bạn có tin tưởng vaccine hay không", Kristin Harrington, nghiên cứu sinh tiến sĩ về dịch tễ học tại Đại học Emory, thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, nói. "Và nếu bạn tin tưởng vaccine, đồng nghĩa các cá nhân đã tiêm chủng sẽ được phép tụ tập với nhau mà không giới hạn số lượng".

Các chuyên gia khác thừa nhận những quyết định chính sách trên hướng đến nhiều mục tiêu như tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế và khuyến khích người dân đi tiêm chủng.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá tiếp tục đeo khẩu trang là điều nên làm, ít nhất ở hiện tại, bởi số lượng người Mỹ được tiêm vaccine vẫn chưa đạt đến mức mà giới khọc cho là cần thiết để làm chậm đáng kể tốc độ lây lan virus.

"Ở bất kỳ đám đông nào, đeo khẩu trang vẫn là cần thiết, chỉ cho đến khi mức độ Covid-19 trong cộng đồng xuống thấp hơn nhiều so với bây giờ", Luther-King Fasehun, bác sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ về dịch tễ học tại Đại học Temple, cho hay.

Tranh cãi Mỹ nới quy định khẩu trang giữa Covid-19

Bên trong một quán ăn ở Missouri hồi tuần trước. Ảnh: NYTimes.

Các nhà dịch tễ học tham gia khảo sát cũng thêm rằng đến khi nào virus còn lây lan thì khẩu trang vẫn là vật dụng cần thiết giúp bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao và người chưa tiêm chủng, như trẻ em hay người có bệnh lý nền.

"Cho đến khi sự lây lan trong cộng đồng giảm đi, đeo khẩu trang vẫn sẽ bảo vệ cộng đồng và những người khác", bao gồm cả trẻ em, người bị ức chế miễn dịch hay các cộng đồng da màu và Latin, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, Julia Raifman, phó giáo sư về y tế công cộng tại Đại học Boston, bình luận.

1/4 nhà dịch tễ học tham gia cuộc khảo sát tin rằng mọi người dân vẫn cần đeo khẩu trang vô thời hạn ở những nơi nhất định và một số khẳng định họ vẫn sẽ dùng khẩu trang tại các địa điểm như sân bay hay phòng hòa nhạc hoặc trong mùa cúm.

"Với tình hình người dân vẫn do dự tiêm vaccine như hiện nay, tôi quyết định sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trong nhà, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ cao như phòng tập gym hay trên máy bay", Alana Cilwick, nhà dịch tễ học tại Sở Y tế Công cộng Colorado, cho biết.

Ngay cả ở bên ngoài trời, nơi khả năng virus lây lan thấp hơn nhiều, gần như tất cả các nhà dịch tễ học đều nói vẫn cần đeo khẩu trang trong đám đông, khi ta ở bên cạnh những người khác mà không rõ về tình trạng tiêm chủng của họ.

"Khẩu trang là vũ khí hữu dụng thứ hai giúp ngăn chặn dịch bệnh sau vaccine", phó giáo sư Raifman nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo NYTimes)

Tổng thống Brazil diễu hành không khẩu trang giữa Covid-19 Tổng thống Brazil diễu hành không khẩu trang giữa Covid-19
Philippines bắt giam người đeo khẩu trang sai cách Philippines bắt giam người đeo khẩu trang sai cách
Không đeo khẩu trang, Thủ tướng Thái Lan phải nộp phạt Không đeo khẩu trang, Thủ tướng Thái Lan phải nộp phạt

/ vnexpress.net