Trong khi nhiều người háo hức trước thông tin học sinh sẽ được nghỉ trọn 3 tháng hè thì chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng các trường ngoài công lập ở Hà Nội đã ký đơn gửi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị được tựu trường sớm hơn. Nên hay không nên cho trẻ đi học sớm tiếp tục là cuộc tranh luận với những ý kiến đa chiều.
Lý luận của các trường tư
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mới đây thông tin sẽ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5.9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1.9. Nội dung này cũng dự kiến được duy trì ở các năm học sau.
Với các trường tư thục, bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, trường tư vẫn có thể tựu trường trước 4 tuần.
Trước thông tin này, nhiều trường tư thục bày tỏ sự lo ngại. Trong đơn gửi Bộ GDĐT, chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng các trường ngoài công lập ở Hà Nội nêu rõ: “Mặc dù chưa biết bộ sẽ sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1.9”, chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang”.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie - cho biết, với trường tư thục, nhà trường, giáo viên phải đi làm mới có thu nhập. Nếu năm nào cũng nghỉ 3 tháng nghỉ hè, các trường sẽ khó khăn trong nguồn tiền để trả lương cho giáo viên.
Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - còn chia sẻ, chương trình của các trường tư thường được thiết kế 10-11 tháng thay vì chỉ 9 tháng như Bộ GDĐT nên nếu nghỉ 3 tháng sẽ khó dạy thêm các nội dung ngoài chương trình chính khoá của bộ và các em sẽ hạn chế được học kỹ năng mềm.
Hè là của trẻ, không phải là của phụ huynh hay giáo viên
Trái ngược với quan điểm của các trường tư thục, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng: Kỳ nghỉ hè là của trẻ, không phải là của người lớn. Nếu thật sự quan tâm đến trẻ, chắc chắn chúng ta sẽ không lấy các lý do lợi ích của người lớn để bóp méo các quy định dành cho trẻ.
Theo TS Hương, lập luận của các trường tư đưa ra là trả lương cho giáo viên hay nhu cầu của phụ huynh cũng không hề nói đến trẻ nhỏ. Mọi khó khăn phải tìm cách vượt qua thay vì ỉ thế như vậy mà rút ngắn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Bà Hương cũng cho rằng, thực tế, rất hiếm khi có chuyện trẻ quên hết kiến thức. Do vậy, sự lo ngại này là không có cơ sở. Nữ TS cũng kiến nghị cần có các quy định rõ ràng về các lớp học thêm trong hè, thời lượng bao nhiêu, tránh tình trạng cha mẹ bắt con đi học thêm 3 tháng hè dẫn đến quá tải.
Nói về lợi ích của trẻ khi được nghỉ 3 tháng hè, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - nói rằng: “Tôi biết, nghỉ hè kéo dài sẽ có cha mẹ phàn nàn, con ở nhà lâu quá trong khi bố mẹ đi làm thì không ai trông. Các con có thể “nghiện” game hoặc nghĩ ra những trò không phù hợp. Điều này có thể có một phần đúng nhưng cũng phản ánh một tâm lý ích kỷ của cha mẹ. Những bậc cha mẹ với suy nghĩ này đang muốn “khoán trắng cho nhà trường” từ trách nhiệm trông nom, chăm sóc đến giáo dục trẻ”.
Theo ông Nam, kỳ nghỉ hè dài để con “sạc” lại năng lượng cho năm học mới. Cùng với đó, kỳ nghỉ hè dài ở nước ta giúp tránh thời tiết nắng nóng cực đoan, học sinh có thời gian chơi thể thao nhằm cải thiện sức khỏe.
Đây cũng sẽ là dịp tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình gần nhau về mặt cảm xúc, tương tác chất lượng hơn, cha mẹ chú ý nhiều hơn đến những điểm mạnh của con. Thậm chí, những học sinh lớn tham gia một số công việc bên ngoài để kiếm tiền, qua đó rèn luyện tinh thần yêu lao động, tự chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác.
Kỳ nghỉ hè dài cũng giúp các giáo viên cũng được nghỉ ngơi, tránh sự kiệt sức về tinh thần, hồi phục lại sau 9 tháng làm việc vất vả. Đây cũng là cơ hội để các thầy cô cập nhật, củng cố kiến thức thật tốt để chuẩn bị cho năm học mới.
TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, để thời gian nghỉ hè của trẻ trở nên thú vị, hữu ích, cần có sự tham gia rất chủ động của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cần có chương trình tích hợp một số nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, phần vận dụng kiến thức của môn Đạo đức, Giáo dục công dân trở thành những dự án trong hè để các em thực hiện và rèn luyện bản thân.
Trường chuyên: Không giáo dục tinh hoa không có người tài |
Bộ GD-ĐT lên tiếng về bức ảnh học sinh duy nhất không có giấy khen |
Nghỉ hè cả 3 tháng, "xin một vé đi tuổi thơ" có dễ dàng? |