Ngày 22-5, trong buổi thị sát và làm việc với 3 trạm y tế xã (TYT) thuộc TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định hiện các TYT còn quản lý quá nhiều sổ sách, đồng thời đề nghị bổ sung nhân lực để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.
Nhân viên y tế mệt nhoài vì… ghi sổ
Kiểm tra tại TYT xã Minh Châu (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định TYT có phòng ốc khang trang, vệ sinh tốt. Tuy nhiên, hiện nay việc ghi chép sổ sách vẫn nhiều và chồng chéo. Theo một nhân viên y tế TYT Minh Châu, mỗi một chương trình, nhiệm vụ của TYT lại có một sổ nên cả TYT đang có khoảng 70 đầu sổ các loại như sổ khám bệnh, sổ quản lý tiêm chủng, quản lý huyết áp, dân số, uống vitamin, y tế dự phòng, dinh dưỡng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Riêng y tế dự phòng cũng có tới 9 sổ quản lý. Còn sổ khám sức khỏe, nhân viên y tế đã phải ghi tới 3 cuốn: sổ khám sức khỏe, sổ khám điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh án bác sĩ gia đình. Để liên thông dữ liệu, các nhân viên y tế lại phải thao tác nhập dữ liệu này vào máy tính... Như vậy, mỗi bệnh nhân đến khám, nhân viên y tế sẽ phải ghi chép rất nhiều, mất thời gian. "Hệ thống thông tin điện tử đã liên thông, tại sao vẫn để xảy ra tình trạng chồng chéo sổ sách như vậy" - Bộ trưởng chất vấn. Bộ trưởng cũng yêu cầu gộp phần mềm quản lý khám bảo hiểm y tế với phầm mềm quản lý sức khỏe toàn dân để bớt việc cho nhân viên y tế, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế cơ sở bị quá tải vì ghi sổ sách
Theo báo cáo của TYT xã Minh Châu, hiện TYT xã đang có 7 cán bộ, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 8-10 bệnh nhân. Điều dưỡng Nguyễn Danh Tuấn, công tác tại TYT xã Minh Châu cho biết hiện trạm y tế này đang quản lý 172 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp. Trung bình mỗi ngày TYT tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân tuy nhiên do chưa có máy xét nghiệm sinh hoá nên khoảng 60-70% số bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm phải chuyển tuyến điều trị.
Tại cả 3 TYT (TYT xã Minh Châu, TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) và TYT phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đoàn kiểm tra đều đã nhận xét hiện nay người dân ít đẻ ở xã (năm 2017 tại Minh Châu có 25 ca), trong khi đó, các TYT dành quá nhiều phòng ốc cho việc chăm sóc quản lý thai sản, sinh đẻ như phòng tư vấn khám thai, phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng đặt vòng... Trong khi lại thiếu phòng truyền thông tư vấn sức khỏe, phòng khám bệnh còn chật chội. Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các TYT phải sắp xếp lại các phòng này cho hợp lý, tránh dàn trải, sử dụng không hết...
Báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển y tế cơ sở trên địa bàn thành phố cho biết 100% các trạm y tế đều triển khai lồng ghép hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hiện gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định tại Thông tư 39/TT-BYT từ tháng 2/2018 tại 100% các trạm y tế. Hầu hết các trạm y tế đều thực hiện được 60-80% số danh mục kỹ thuật theo Thông tư này. Toàn thành phố hiện đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 52% dân số.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua các cơ sở y tế đã và đang thực hiện kết nối các phần mềm khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế với Phần mềm quản lý sức khoẻ người dân để khi người dân đến khám bệnh là sẽ có toàn bộ thông tin về cá nhân, bệnh lý.
Giảm chi tiền túi cho người bệnh
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dù các trạm y tế được xây mới, hiện đại theo mô hình điểm nhưng việc sắp xếp các phòng khám, buồng bệnh còn chưa hợp lý, chưa thoáng mát. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu các trạm y tế xã, phường lồng ghép mô hình y học gia đình vào hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở, đồng thời tăng cường truyền thông, thăm khám về các bệnh không lây nhiễm. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tính toán để có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tai trạm y tế, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí phải chi trả từ tiền túi của người dân; đồng thời mở rộng danh mục thuốc để thu hút người dân đến khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe lâu dài.
Chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở ngày càng được nâng cao
Trước thực trạng 14% trạm y tế của TP Hà Nội chưa có bác sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gợi lý việc luân phiên đưa cán bộ từ Trung tâm y tế hoặc bệnh viện huyện về khám chữa bệnh cho người dân ở trạm y tế xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền và phục hồi chức năng để người dân được thụ hưởng thêm các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngay ở tuyến cơ sở. Trước mắt cần chuyển người bệnh mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường về địa phương theo dõi và nhận thuốc định kỳ. Các trạm y tế triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đào tạo bổ sung bác sĩ gia đình, phục hồi chức năng. Trước mắt, Trung tâm y tế cần tăng cường luân phiên bác sĩ cho các trạm y tế còn thiếu bác sĩ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần đi vào trọng tâm cải cách hành chính, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi, bác sĩ phải ghi chép nhiều sổ sách, nhập số liệu… Đặc biệt cần phải kết nối với các phần mềm quản lý dược, phần mềm. "Trạm y tế xã sẽ được nâng cao chất lượng thiết bị, nhân lực, có các thiết bị siêu âm tại trạm và phải thực hiện lẫy mẫu máu xét nghiệm chuyển về tuyến huyện, chứ không phải khám chay"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đề nghị của tư lệnh ngành y tế, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế và các đơn vui liên quan rà soát, tiếp thu nghiệm túc các ý kiến mà Bộ trưởng và các thành viên đoàn công tác đã chỉ ra. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan nhanh chóng ban hành, ưu tiên thanh toán bảo hiểm y tế cho tuyến y tế cơ sở đồng thời có cơ chế tạo điều kiện cho bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác tại tuyến xã có mức lương cơ bản cao hơn hiện nay để thu hút bác sĩ về làm việc.
14% trạm y tế của Hà Nội chưa có bác sĩ
Sau khi kiểm tra hoạt động của một số trạm y tế xã, phường ở ngoại thành Hà Nội, chiều 22-5, Bộ trưởng Bộ Y ... |
Nới quyền lợi cho người dân khám bệnh tại trạm y tế xã
Thuốc chữa hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, hạ đường huyết, tăng huyết áp... được cung cấp ngay tại trạm y tế, người dân không ... |
Ngọc Dung