Từ bang hội bảo vệ và giúp đỡ người nhập cư, Hội Tam Hoàng dần biến thành băng đảng tội phạm tống tiền và bảo kê khét tiếng, móc ngoặc với cảnh sát để thu lợi.
Hội Tam Hoàng khống chế khu vực Cửu Long, Kowloon, trong thời gian dài. Để được sống yên ổn, người dân nộp tiền cho hội thay vì nộp thuế cho chính phủ. Ảnh: News.qq.com
Hội Tam Hoàng hay Tam Hợp Hội là tên mà người dân đặt cho giới xã hội đen ở Hong Kong thời kỳ đầu, vì đại đa số thành viên xã hội đen đều thuộc hội này. Theo tài liệu lưu trữ thuộc địa của Anh Quốc, những năm 80 của thế kỷ 19, số lượng thành viên Hội Tam Hoàng lên đến gần 20.000, rải rác trong khắp các lĩnh vực từ nhân viên văn phòng hành chính tới toà án tối cao hay cảnh sát, từ Hong Kong tới Trung Hoa đại lục. Có thể nói, Hội Tam Hoàng đã "bắt rễ ăn sâu" trong bộ máy chính quyền Hong Kong từ thế kỷ 19.
Thời kỳ này, thế giới ngầm đã thâm nhập vào tầng trung và hạ lưu trong xã hội Hong Kong, thành viên Hội Tam Hoàng chiếm đến một phần ba nam giới ở đây. "Trị trắng trước đen", "Chống tham nhũng trước khi chống xã hội đen" là những khẩu ngữ được lưu truyền tại Hong Kong hàng trăm năm nay.
Hội Tam Hoàng - Hội giúp đỡ
Sau khi nhà Thanh nhượng Hong Kong cho Anh năm 1842, Hong Kong trở thành một thương cảng giao thương tự do. Người Anh bắt đầu công cuộc khai hoang ở đây, nhờ đó, một lượng lớn cơ hội được mở ra cho người lao động bốn phương. Cùng lúc đó, Trung Quốc đại lục rơi vào tình thế hỗn loạn, thiên tai khắp nơi khiến người dân lâm vào cảnh thất nghiệp tràn lan. Những người này di cư sang Hong Kong kiếm sống và làm việc cho đế quốc Anh. Nhưng họ cũng cần một tổ chức đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình, vì vậy gia nhập Hội Tam Hoàng để mưu cầu sự "bảo vệ" và giúp đỡ.
Những người lao động nhập cư chủ yếu làm cu li khuân vác, thồ hàng tại các bến tàu ở khu Tây và Thượng Hoàn. Vì phải cạnh tranh khốc liệt nên họ thường xảy ra va chạm. Những người nhập cư mới vấp phải rào cản ngôn ngữ và phải tha hương cầu thực nơi đất khách, bắt buộc phải đoàn kết lại với nhau. Cùng nhau gia nhập Hội Tam Hoàng là nhu cầu tất yếu lúc đó chứ không hề bị ép buộc.
Cuốn sách "Giai thoại Hong Kong" của Lu Yan, khắc hoạ rõ nét thời kỳ này. "Thời kỳ đầu của Hong Kong không có bang hội xã hội đen. Hội Tam Hoàng trở thành tổ chức đầu tiên đoàn kết mọi người lại với nhau với mục đích ban đầu là giới thiệu việc làm cho người nhập cư. Để duy trì công việc ổn định, người lao động phải gia nhập hội, mỗi hội sẽ có một địa bàn làm việc riêng cho hội viên của mình", sách viết.
Theo QQ, thời kỳ đầu, chính phủ Anh muốn cộng đồng người Hoa tự chủ, tự trị, vì vậy không hề cung cấp các dịch vụ công cộng cho họ, vô hình chung lại tạo cơ hội cho Hội Tam Hoàng. Đứng trước làn sóng nhập cư lớn, chính quyền Hong Kong không thể cung cấp điện nước và các dịch vụ công cộng kịp thời, Hội Tam Hoàng đã tận dụng cơ hội này xây dựng các trạm cấp điện nước bất hợp pháp để thu lợi nhuận riêng.
Người lao động không những không phản đối mà còn sử dụng các loại dịch vụ của Hội Tam Hoàng. Đối với họ, nộp phí cho Hội Tam Hoàng cũng nhận được sự bảo hộ và các dịch vụ công cộng khác, về mặt lý thuyết thì không khác gì với nộp thuế cho nhà nước.
Tham nhũng, ép buộc
Hội Tam Hoàng ngày càng thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội Hong Kong và bắt đầu chuyển từ việc thu phí thành viên thành tống tiền. Dùng bạo lực để đe nạt người dân nộp tiền bảo vệ nhằm đầu tư vào kỹ viện và sòng bạc, Hội Tam Hoàng đã khuếch trương được thế lực của mình trên diện rộng.
Tuy nhiên, do lực lượng cảnh sát Hong Kong quá mỏng và tham nhũng tràn lan, không thể bảo vệ người dân, vì vậy người dân chỉ có thể hoặc gia nhập Tam Hoàng để tự bảo vệ mình, hoặc bị Tam Hoàng bắt nạt và tống tiền.
Chính quyền Hong Kong nhận ra sự lũng đoạn của Hội Tam Hoàng nhưng không thể quét sạch được hang ổ của chúng vì Hội Tam Hoàng đã ăn sâu vào trong xã hội ở đây, gắn liền với kế sinh nhai của quá nhiều người dân nên họ không chủ động phối hợp với cảnh sát.
B.C.K. Hawins, quan chức phòng Nội vụ người Hoa ở Hong Kong, năm 1955 viết trong tài liệu nội bộ: "Có thể nói, xã hội đen đã gây tổn hại lớn cho xã hội Hong Kong. Hành vi tống tiền diễn ra khắp mọi nơi và ngày càng nhiều người dân trở thành mục tiêu tống tiền của họ. Ngoài kia còn rất nhiều người phải sống ngoài vòng pháp luật và họ chỉ có những điều kiện sống rất cơ bản nhưng rất khó để động viên họ tham gia chiến dịch bài xích Hội Tam Hoàng vì họ sợ".
Trong khi đó, cảnh sát còn bắt tay với Hội Tam Hoàng để hại dân. Họ lợi dụng Hội Tam Hoàng để nắm bắt các thông tin tình báo và nhận tiền hối lộ và để Hội Tam Hoàng thoải mái hoạt động.
Bài trừ Hội Tam Hoàng
Vụ bạo loạn năm 1956 khiến chính quyền Hong Kong quyết định ra tay trấn áp Hội Tam Hoàng. Ảnh: News.qq.com
Ngày 10.10.1956, tại Cửu Long (Kowloon) và một số khu vực khác xảy ra bạo loạn, một số thành viên của Hội Tam Hoàng cũng tham gia cướp bóc của cải của dân. Mặc dù nguyên nhân bạo động được giải thích là chính quyền Quốc dân đảng tại Đài Loan xúi giục, nhưng chính phủ Anh vẫn phủ nhận động cơ chính trị ở đây, và cho rằng Hội Tam Hoàng kích động lòng dân.
Chính phủ Anh và Hong Kong xác định Hội Tam Hoàng là đối tượng uy hiếp đến trị an Hong Kong. Vì vậy, ngay sau bạo loạn, chính quyền Hong Kong đã đề ra những chính sách đặc biệt và thành lập ban điều tra nhằm trấn áp Hội Tam Hoàng. Trong vòng 10 năm từ 1956 đến 1966, hơn 10.000 hội viên đã bị khép tội, truy tố hơn 600 nhân viên tay trong của hội.
Tuy nhiên, cảnh sát Hong Kong không những thất bại trong việc cắt giảm số lượng thành viên Hội Tam Hoàng, mà còn chủ quan cắt giảm bớt chi phí cho chiến dịch này khiến cho Hội Tam Hoàng vẫn ngấm ngầm được duy trì. Thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, cảnh sát trở thành tổ chức "xã hội đen" lớn nhất khiến cho Hội Tam Hoàng ngày càng được mở rộng.
Sau năm 1966, số lượng tội phạm liên quan đến Hội Tam Hoàng ngày càng tăng. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ cảnh sát và xã hội đen móc nối với nhau, "cảnh sát quản xã hội đen, xã hội đen quản trị an" là câu cửa miệng lưu truyền thời bấy giờ. Theo các dữ liệu tội phạm, hành vi phạm tội liên quan đến Hội Tam Hoàng tăng đột biến từ 110 vụ năm 1968 lên đến 4.089 vụ năm 1976, tăng 37 lần. Các tội phạm tống tiền cũng tăng 13,8 lần từ 344 đến 4.755 vụ.
Lu Yue, đại diện cảnh sát Hong Kong, là nhân vật tiêu biểu cho thời kỳ đen tối khi đó. Với khối tài sản kếch xù, Lu Yue có thể dễ dàng mua được nửa hòn đảo Cửu Long. Lu Yue nắm cả xã hội đen và cảnh sát trong tay, khi cần ra tay, tất cả các băng đảng khác đều phải nể mặt.
Tan rã
Sự tham nhũng quá độ của chính quyền đã khiến cho người dân Hong Kong vô cùng phẫn nộ, làn sóng yêu cầu cải cách dâng cao dẫn đến sự ra đời của tổ chức chống tham nhũng ICAC. Thống đốc hội đồng lập pháp Hong Kong tuyên bố: "Tôi nhận thấy rằng một cơ quan chống tham nhũng mới là rất cần thiết vào lúc này, ICAC sẽ do những nhân viên cấp cao quản lý và sẽ tập trung mọi sức lực để tiêu diệt những thế lực tà ác. Hơn nữa, niềm tin của công chúng đã hoàn toàn đặt vào chúng tôi, ICAC sẽ độc lập hoàn toàn với các cơ quan khác và không phải chịu bất cứ sức ép nào từ họ".
ICAC thành lập khiến cho thế giới ngầm náo loạn. Hội Tam Hoàng không những mất đi sự bảo trợ bất hợp pháp từ cảnh sát Hong Kong mà còn bị truy quét nghiêm trọng.
Hầm hố trong phim ảnh nhưng trên thực tế, Hội Tam Hoàng rất ít khi động thủ, tất cả đều được giải quyết bằng thương lượng. "Anh hùng sòng bạc" là một trong những bộ phim nổi tiếng về Hội Tam Hoàng. Ảnh: News.qq.com
Từ thập niên 90, các thành viên Hội Tam Hoàng lần lượt tan rã, 100.000 thành viên nay chỉ còn là con số hão huyền.
Trong những bộ phim về xã hội đen, Hội Tam Hoàng bành trướng với quyền lực gần như vô tận, tương truyền hội có 100.000 thành viên lúc hưng thịnh nhất. Nhưng trên thực tế, sau khi cảnh sát Hong Kong bị chỉnh đốn, uy lực của Hội Tam Hoàng bị suy giảm đáng kể, ước tính chỉ còn 10% thành viên duy trì được đến những năm 1980. Uy tín của hội sụt giảm đến nỗi phải thuê người đóng giả thành viên cho đông đảo.
Theo cuốn sách "Hong Kong một trăm năm sau", để những tay anh chị trong bang hội xuất hiện thường phải trả dao động khoảng 200 đến 500 đôla Hong Kong, vì vậy mỗi trận đối đầu giữa các bang hội đều rất tốn kém, thậm chí còn dẫn đến phá sản. Do đó, Hội Tam Hoàng đã đề ra phương pháp "sái mã" để đàm phán, không thực sự động thủ mà chỉ so bì về lực lượng, không mang vũ khí mà chỉ phân thắng bại bằng sự nghiêm chỉnh trong hàng ngũ...
Chuyển mình
Các thành viên băng nhóm nhỏ của Hội Tam Hoàng bắt đầu chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh. Họ đầu tư và nhiều loại hình kinh doanh như thiết kế kiến trúc, giao thông vận tải, ăn uống, giải trí và thiết lập vị thế độc quyền. Về bề nổi thì phương pháp này không còn là cướp bóc tống tiền người dân hay làm ăn phi pháp nên không đe doạ trực tiếp đến an sinh xã hội, nhưng thực tế Hội Tam Hoàng không dễ dàng từ bỏ bạo lực, rất nhiều sự lũng đoạn ngành nghề đều dựa vào sự đe nạt, chiếm địa bàn mà đạt được.
Ví dụ, ngành công nghiệp điện ảnh thời kỳ 1986-1993 phát triển cực kỳ mạnh mẽ khiến Hội Tam Hoàng cũng tìm cách tham gia. Từ năm 1992, ngành giải trí bắt đầu xuất hiện những vụ tống tiền và đánh đập diễn viên, nhiều công ty sản xuất phim nhỏ thuê Hội Tam Hoàng để dùng bạo lực ép các ngôi sao điện ảnh đóng phim với giá thấp. Thành Long, Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát đều từng bị rơi vào cảnh này.
Từ năm 1993, cảnh sát Hong Kong bắt đầu loại bỏ sự ảnh hưởng của Hội Tam Hoàng trong ngành công nghiệp giải trí. Cơ quan văn hoá Hong Kong tiết lộ, chỉ có duy nhất một trường hợp phạm tội liên quan đến hội Tam Hoàng năm 1996. Ảnh hưởng của Hội dường như đã giảm sút nhiều trong ngành công nghiệp giải trí cũng như trong xã hội Hong Kong hiện đại.
10 băng đảng trong tù khét tiếng nhất nước Mỹ: Không trừ tội ác nào
Bên cạnh các hoạt động phi pháp ngoài xã hội, các băng đảng xã hội đen ở Mỹ còn luồn lách vào các nhà tù ... |
Yakuza - Băng đảng xã hội đen quyền lực nhất Nhật Bản
Ra đời cách đây khoảng 400 năm, Yakuza (Nhật Bản) ngày nay đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm và ... |