Lãnh đạo địa phương nhiệm kỳ trước chào mời đầu tư, chốt vị trí trạm, nhiệm kỳ sau lại đổi ý, đẩy bóng trách nhiệm cho Bộ GTVT. Sự thiếu nhất quán trong quan điểm cũng như chính sách đã và đang tạo ra không ít trái đắng mang tên BOT và khiến DN “đau đầu” tìm lối thoát cho các dự án cũ cũng như “chùn chân” trước lời kêu gọi xã hội hoá mới.
Tỉnh Thái Nguyên vừa đề xuất dỡ trạm thu phí Bờ Đậu tại Km77+922,5 QL3. Ảnh: L.A
Đầu tư xong, DN “khóc” vì tỉnh đề nghị dỡ trạm, đầu tư thêm
Sau 6 tháng “cầu khẩn” xin thu phí không được vì chờ ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án giảm giá, chủ đầu tư dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức BOT lại thêm một lần “ngã ngửa” khi UBND tỉnh này gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu giá dịch vụ đã xây ở QL3, yêu cầu nhà đầu tư rót thêm tiền mở rộng hoàn thiện một tuyến đường khác trên địa bàn là cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để dựng trạm thu giá mới trên cao tốc Hà Nội Thái Nguyên và đường Thái Nguyên Chợ Mới.
Đề xuất này không chỉ khiến chủ đầu tư phải làm lại hàng loạt thủ tục để điều chỉnh hợp đồng đã ký, xây lại các phương án tài chính mà còn phải xuất thêm tiền trong bối cảnh chưa biết huy động nguồn từ đâu để trả hàng chục tỉ đồng tiền lãi lẫn vốn hàng tháng.
Không những vậy, văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên còn “chơi khó” Bộ GTVT khi đẩy trái bóng trách nhiệm cho bộ này. Đánh giá về đề xuất mới gửi Bộ GTVT ngày 23.11 của tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Vụ Đối tác công - tư (Vụ ĐTCT) cho rằng, phương án dỡ bỏ trạm thu phí tại Km77+922,5 QL3 (chỉ thu phí tại trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới) sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông, phá vỡ phương án tài chính của Dự án cũng như cam kết trong Hợp đồng BOT đã ký kết với Nhà đầu tư.
Trường hợp này, Nhà nước phải bỏ tiền để mua lại toàn bộ dự án với kinh phí khoảng 2.450 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc giao Nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và thu giá dịch vụ để hỗ trợ cho Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) sẽ không khả thi và trái với quy định của Luật đấu thầu, đồng thời dẫn đến tình trạng bất hợp lý do đầu tư một nơi, thu phí một nơi.
Đáng nói là trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã “đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 3 hiện hữu tại đoạn Km75 - Km82” và chỉ thay đổi ý kiến khi chủ đầu tư đã đầu tư xong chỉ chờ thu giá hoàn vốn.
Không xử lý tồn tại cũ, khó xây cái mới
Chưa đến mức mắc kẹt như dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, nhưng không ít dự án BOT từng gặp khó với địa phương đặc biệt trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Đánh giá về vấn đề này, chủ một dự án đầu tư cao tốc lớn cho rằng, nếu các DN triển khai dự án khi mới giải phóng mặt bằng một phần thì sẽ trở thành một dạng “con tin” của địa phương, không ít dự án trên thực tế bị đội vốn, chủ đầu tư phải “lạy lục” địa phương nếu không muốn bị nhà thầu kiện chỉ vì địa phương chẳng vội GPMB như cam kết. Trái với mong đợi, hiện nay một số dự án BOT giao thông như dự án cầu Hạc Trì, Việt Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... đang dần thành trái đắng với DN.
Không chỉ vậy, nhiều DN phàn này về thực trạng cơ quan nhà nước ký hợp đồng triển khai dự án BOT với những điều khoản rõ ràng nhưng khi có phản ứng của dư luận hoặc có thông tin trái chiều chưa chuẩn xác thì lại im lặng, không nói rõ vấn đề khiến DN trở thành một dạng “tội đồ” trong khi với hợp đồng BOT, dù thời gian thu ngắn hay dài, lợi nhuận của DN gần như không đổi vì phải tuân theo tỉ lệ của hợp đồng.
Liên quan tới việc nhà nước cho DN làm đoạn này, thu phí đoạn khác được lãnh đạo một dự án lớn so sánh như kiểu “trả lương công nhân bằng bánh xà phòng”, vì DN cần nhà nước hỗ trợ bằng tiền, nhưng nhà nước không có tiền nên DN phải đi thu hộ để bù vào phần góp vốn của nhà nước.
“Bản chất là dự án PPP, nhà nước phải tham gia 1 phần, nhà đầu tư 1 phần, người tham gia giao thông 1 phần. Nhà nước giàu sẽ hỗ trợ bằng tiền, còn không giàu cho thu phí đoạn khác để thay thế. Bản thân DN chẳng muốn thế vì DN cần tiền.” ông T - lãnh đạo một dự án BOT giao thông - thẳng thắn chia sẻ.
Để tiếp tục kêu gọi DN xã hội hoá, tham gia vào các dự án công nói chung và dự án BOT giao thông nói riêng, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, rất cần luật hoá để có sự nhất quán về chính sách. Không chỉ vậy, trước khi xây mới cần giải quyết hết các bất cập cũ vì nếu các dự án đã triển khai thua lỗ, phá sản, nền kinh tế sẽ gánh hàng nghìn tỉ đồng nợ xấu và các DN trong nước sẽ không dám xuống tiền cho những dự án mới.
Không biết BOT Cai Lậy thu phí trở lại, tài xế không mang tiền mua vé Trong sáng 2.12, đã xuất hiện trường hợp tài xế phản ứng trạm BOT Cai Lậy vì cho rằng, không biết trạm đã thu phí ... |
BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào lúc nửa đêm 1.12: Điều gì đã diễn ra? Trong khoảng một giờ đồng hồ thu phí trở lại, đã xuất hiện tình trạng tài xế trả tiền lẻ, tổng cộng 25.100 đồng và ... |