Để Tập đoàn Alibaba lừa đảo trong suốt 3 năm qua với số tiền hơn 2.500 tỉ đồng, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của các địa phương Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bộ Xây dựng.
Suốt một thời gian dài, dư luận bức xúc, công luận liên tục lên tiếng về những sai phạm nhưng Tập đoàn Alibaba vẫn hiên ngang tồn tại, vẫn liên tục gom đất, "vẽ" dự án, thu lại hàng nghìn tỉ đồng. Điều này chắc chắn có liên quan đến trách nhiệm của địa phương Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bộ Xây dựng...
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hùng, trước hết pháp luật điều chỉnh các dự án bất động sản từ khi hình thành cho đến khi kinh doanh, điều chỉnh nhiều lần.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra trực tiếp các dự án thì Điều 178 của Luật Kinh doanh bất động sản có nói rõ là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra giám sát các dự án trên địa bàn và có trách nhiệm xử lý khi vi phạm.
Trước tình hình một số dự án trên cả nước có hiện tượng vi phạm, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 ngày 23.4.2019 về việc tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và đảm bảo bền vững, công khai minh bạch.
Tháng 7.2019, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ thị này.
Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm tra tập trung vào nội dung: Hoàn thiện thể chế chính sách, đề nghị những người đầu tư mua bất động sản có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin pháp lý của bất động sản, cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những vi phạm.
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, tính đến hết tháng 9, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận hơn 1.500 cá nhân đến tố giác Tập đoàn Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên hơn 1.000 tỉ đồng.
Tính đến ngày 30.6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng thu được hơn 2.500 tỉ đồng. Qua điều tra ban đầu xác định những người này hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp.
Cơ quan điều tra xác minh, xác định tất cả các "dự án" do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như những người này quảng cáo.
Cơ quan điều tra đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất; các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ với Phòng 15 - Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an (địa chỉ số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh (địa chỉ số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh) hoặc Công an quận, huyện nơi cư trú nộp đơn tố giác tội phạm, cung cấp thông tin liên quan để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Người dân tuyệt đối không được tiếp tục giao dịch mua bán đất nền tại các dự án của Công ty Alibaba để tránh bị lừa đảo; đồng thời, kêu gọi các cá nhân là nhân viên của Công ty Alibaba hoặc có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho Cơ quan điều tra. Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tài sản... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. |
Em trai Nguyễn Thái Luyện Alibaba bị cáo buộc rửa tiền |
Truy trách nhiệm vụ Alibaba; Bao giờ kết luận vụ thanh tra nhận hối lộ? |
Địa ốc Alibaba lừa đảo: Cần phong tỏa thêm tài sản |