Trả phí BOT Cai Lậy bằng tiền lẻ: Lời nói ngược

Người dân bức xúc vì vị trí đặt trạm BOT không phù hợp và phí quá cao, trong khi đại diện BOT khẳng định đã giảm phí cho 4 xã lân cận.

Phí cao, trạm đặt bất hợp lý

Những ngày qua, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (nằm trên đường quốc 1A tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), nhiều tài xế đã phản đối việc đặt trạm thu phí đường bộ đặt không đúng vị trí và mức phí cao so với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bằng cách trả phí bằng tiền lẻ.

Chiều tối 9/8, theo ghi nhận của báo chí, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng đã xảy ra ở 2 hướng của trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Ngày 10/8, trao đổi với Đất Việt, anh Nam, đại diện Doanh Nghiệp Tư Nhân Vận Tải Xăng Dầu Hưng Thịnh (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) khẳng đinh vị trí đặt trạm BOT và mức phí khi đi qua khu vực này là quá đắt.

tra phi bot cai lay bang tien le loi noi nguoc
Dân bức xúc phí cao, trạm đặt BOT Cai Lậy bất hợp lý

Là doanh nghiệp vận tải trong lĩnh vực xăng dài nên ngày nào anh Nam cũng phải lái xe qua trạm BOT. Anh khẳng định, doanh nghiệp không chỉ phải trả thêm khoảng phí 3 triệu đồng/xe/tháng mà còn thường xuyên gặp cảnh ùn tắc kéo dài, mất rất nhiều thời gian chờ đợi.

“Phản ứng của các lái xe là hoàn toàn đúng. Giá phí BOT ở đây cao hơn rõ ràng so với các trạm khác. Theo tôi biết, trạm thu phí BOT Cai Lậy không chỉ thu 12km tuyến đường tránh mà còn thu luôn cả phần bảo dưỡng bảo trì của tuyến quốc lộ thêm mấy chục cây số. Thông tin này được chính ông Phó Giám đốc BOT khẳng định với báo chí.

Chúng tôi chỉ muốn biết phần bảo trì đường bộ là bao nhiêu km và BOT Cai Lậy bắt đầu từ khúc nào và khúc cuối ở lúc nào? Người dân muốn biết về việc này”, anh Nam đặt câu hỏi.

Anh Nam cũng cho biết, đến thời điểm này chưa nắm được bất cứ thông tin gì về việc trạm BOT miễn giảm phí cho người dân 4 xã lân cận khi đi qua khu vực thu phí.

“Tôi chưa được nghe thông tin chính thức nào từ trạm BOT cả. Tài xế của công ty có báo về thường xuyên bị kẹt xe. Có hôm kẹt tầm buổi chiều, có hôm buổi sáng tầm 10h đã bắt đầu kẹt rồi”, anh Nam nói.

Chia sẻ thêm với Đất Việt, ông Huỳnh Văn Nguyện - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Tiền Giang cho biết chỉ mới nắm bắt được sự việc trên qua báo chí. Đến thời điểm này chưa thấy các đơn vị vận tải phản ánh về tình trạng trên đến Hiệp hội.

Theo ông Nguyện, nếu có phản ánh gửi về, Hiệp hội vận tải sẽ tiếp nhận và có các bước tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Lý giải việc nhiều người phản ứng việc trạm BOT Cai Lậy thu phí, ông Nguyện cho rằng việc trạm thu phí hoạt động đụng chạm đến quyền lợi của dân. Từ trước giờ tại tuyến đường trên không thu tiền phí. Tuy nhiên hiện nay khi trạm BOT hoạt động và thu phí thì người dân phản ứng.

“Trong văn bản ngay từ đầu đưa ra của Bộ GTVT đã giải thích cụ thể về tuyến đường này. Để tránh tình trạng ùn tắc ở 1 số cầu và ngã tư của thị xã Cai Lậy mới tiến hành làm tuyến tránh. Dự án được sự cho phép của Bộ GTVT và thống nhất của UBND tỉnh, để hạn chế ùn tắc đã cho làm BOT.

So với đường cao tốc thì phí qua trạm BOT có cao hơn nhưng thời gian thu phí rất ngắn chỉ có 6 năm 5 tháng thôi”, ông Nguyện khẳng định.

Đã miễn giảm cho dân 4 xã lân cận trạm

Chiều 10/8, thông tin với Đất Việt, ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) thừa nhận chiều 9/8 nhiều lái xe lại tiếp tục tập trung tại trạm BOT Cai Lậy và dùng tiền lẻ để trả phí.

“Thời gian kéo dài từ 18h10 đến 18h55 thì kết thúc. Giao thông chỉ ùn thôi chứ không tắc. Trạm BOT vẫn xử lý được”, ông Hiệp khẳng định.

Theo ông Hiệp, những ngày đầu 1 số lái xe có cho tiền lẻ bỏ vào chai nhựa, bịch ni lông để trả phí khi qua trạm. Tuy nhiên sau khi một số Luật sư lên tiếng cảnh báo việc này có thể vi phạm pháp luật nên người dân đã chuyển sang đưa tiền lẻ trực tiếp.

“Nhân viên, cán bộ trạm thu phí luôn luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Bình thường 8 cabin là 8 nhân viên phụ trách. Nhưng hiện tại chúng tôi đã điều động đến 16 người. Khi cần sẽ huy động thêm tiếp để ra hỗ trợ để xử lý tình hình. Đến thời điểm này, cơ bản là đáp ứng được yêu cầu”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Giám đốc BOT Cai Lậy cũng thừa nhận, một phóng viên chiều 9/8 khi tác nghiệp tại trạm thu phí đã bị ném vật cứng vào đầu bị thương.

“Những hình ảnh trên đã được camera ghi lại và chúng tôi đã trích xuất hình ảnh giao cho công an huyện và công an tỉnh để xem xét xử lý. Qua hình ảnh ghi lại, có thể thấy, người đàn ông ném vật cứng vào phóng viên không phải là trưởng công an xã Phú An”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp cũng khẳng định, mức thu phí qua trạm thu phí Cai Lậy đã được Bộ GTVT và Bộ Tài chính thống nhất ban hành, chứ không phải do nhà đầu tư BOT đặt ra.

“Người dân 4 xã ngay gần trạm thì các xe không có mục đích kinh doanh chúng tôi đã thực hiện miễn 100% rồi. Việc này đã được công bố rộng rãi cho bà con nắm.

Việc dân trả phí bằng tiền lẻ tôi nghĩ họ vào chùa để đổi hoặc dùng các dịch vụ đổi tiền. Chúng tôi cũng không đi sâu lắm. Dân đưa tiền lẻ thì trạm vẫn thu hết. Chỉ có vấn đề là một số đối tượng xấu lợi dụng đông người để kích động ném đá vào phóng viên, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại trạm”, ông Hiệp khẳng định.

/ Hà Hoàng/baodatviet.vn