Hơn một tháng, kể từ ngày cơn bão số 12 - Damrey quét qua duyên hải miền Trung, làm 123 người chết và mất tích, hàng ngàn nhà dân bị sập đổ, vùi lấp… đến nay, người dân khắp nơi đã gượng dậy, tái thiết. Tuy nhiên, gần 6.500 người dân tộc thiểu số xã Trà Bui, huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn còn cô lập. Người Trà Bui hiện kết nối với cộng đồng chỉ duy nhất bằng con đường thủy, vượt qua lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2…
Làng trên lưng chừng núi
Nếu như ngành điện lực đánh giá cao vùng đất Trà My vì lượng mưa trung bình năm cực lớn, là nguồn cung dồi dào cho phát triển thủy điện, thì với người dân địa phương là ngược lại. Dân gọi là mưa thối đất, thối cát. Đặc biệt, sau hoàn lưu bão số 12, từ giữa tháng 11 đến nay, mưa ở Trà My diễn ra liên tục. Trời như sập xuống, đất nhão ra, núi nứt toác, sụt trượt ầm ào, tắc đường giao thông, vùi nhà dân xảy ra khắp nơi.
Có đến 26 trường hợp nhà dân bị sạt núi, vùi lấp hoặc bị đất núi đánh sập đổ hoàn toàn tại 2 huyện Nam và Bắc Trà My. Đến trung tuần tháng 12.2017, khi chúng tôi mang tiền cứu trợ người dân ở Trà My, mưa lớn vẫn còn bủa vây. Con đường lên 2 huyện miền núi này luôn trong tình trạng sụt trượt, ách tắc bất cứ lúc nào.
Có mặt tại thị trấn Trà My lúc 7 giờ sáng, nhưng chúng tôi không thể di chuyển tiếp để đến Trà Bui. Mưa lớn cộng với việc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ, nước đã băng qua quốc lộ 40B, ngập cầu sông Trường, nhấn chìm cầu Nước Oa.
Thổ địa Hồ Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui - hối thúc: “Không thể chờ nước rút được, và cũng không nên hủy chuyến đi vì tôi đã thông báo, hẹn dân tập trung để nhận tiền hỗ trợ. Thất hứa lúc này, tội nghiệp cho bà con”. Nói rồi, Hồ Văn Hải dẫn đường cho chúng tôi vòng lên núi, qua xã Trà Sơn, quanh co triền dốc tránh lũ sông Trường và sông Nước Oa để đến được bờ đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Con đường gần 40 cây số từ đây đến xã Trà Bui bây giờ đã thành hố sâu vực thẳm, chia cắt hoàn toàn. Chúng tôi phải lên thuyền, vượt lòng hồ thủy điện.
Đò ông Lý là một chiếc sà lan sắt mới vừa hạ thủy được mấy tháng trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Lý đóng cái sà lan này với mục đích vận chuyển cây keo lá tràm, gỗ rừng trồng… Nhưng bão qua, mưa lớn gây tắc đường, để đáp ứng nhu cầu đi lại của các đoàn cứu trợ, cán bộ và 1.400 hộ dân với gần 6.500 nhân khẩu ở Trà Bui thời điểm này, ông Lý chuyển sang làm đò chở hành khách. Để khắc phục sạt lở, thông được tuyến giao thông này phải đến tết. Nghĩa là phải mất 2-3 tháng nữa. Nếu không có con đò bất đắc dĩ này, người ốm đau, cấp cứu sẽ nguy nan. Chưa kể nhu cầu đi lại của cán bộ, các đoàn cứu trợ dân rất lớn. Đây là lý do chính đáng để cảnh sát giao thông và thanh tra đường thủy đồng ý cho ông Lý chạy đò trên lòng hồ.
Sau 2 giờ vượt lòng hồ trong tĩnh lặng, những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số Bh’Noong, Ca Dong đã mờ mờ ẩn hiện trên các triền núi, sát mặt nước hồ đầy. Những khách lạ như chúng tôi dường như đều thốt lên, cảnh đẹp quá. Nhưng nhiều người dân địa phương có mặt trên đò thì lặng buồn.
Hồ Văn Hải cho biết, nhà của 100% trong số 1.373 hộ dân ở xã Trà Bui bây giờ đều đã chìm trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Chỗ ở mới bây giờ là khu tái định cư. Mùa này, nước đang lớn cực đại, làng sát mặt hồ là vì nước đầy. Thực tế, những ngôi làng này đều nằm trên trên lưng chừng núi…
Di hại của thủy điện
Khác với phía Bắc - vùng cao toàn là núi đá, núi đồi ở trung Trường Sơn phần lớn là đất thịt, đất sét. Trà My lại nằm trên đới đứt gãy bề mặt vỏ trái đất có tên Hưng Nhượng - Tà Vy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính, gây ra hàng loạt các vụ động đất kích thích ở khu vực này sau khi xây dựng, tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2. Động đất xảy ra liên tục, đôi khi cả chục trận mỗi năm. Với cường độ chỉ trên dưới 5 độ richter, động đất ở Trà My chưa làm sập nhà, chết người hay xảy ra thảm họa. Nhưng ngoài việc đe dọa cuộc sống vốn yên bình của người dân miền núi mấy năm nay, động đất cũng đã làm rung chuyển, nứt núi, rạn vỡ các liên kết bề mặt của đất, núi đồi… Chính vì vậy, khi mưa lớn kéo dài liên tục, ở đây đã xảy ra sụt trượt lớn và nhiều địa điểm đến bất thường.
Sau trận mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 12, tại hai huyện Nam và Bắc Trà My đã xảy ra cả hàng ngàn điểm sạt núi, lở đất. Hàng trăm điểm sạt núi nghiêm trọng, đe dọa an toàn các công trình giao thông, nhà cửa và cả các công trình thủy điện. Trong đó, 26 nhà dân đã bị núi sạt, đè sập hoặc vùi lấp hoàn toàn, hàng chục người chết, mất tích.
Tại xã Trà Bui này, sạt núi đã càn quét mất tích cùng lúc 10 căn nhà trong tích tắc. Rất may, nhờ sự quyết liệt của chính quyền, hơn 70 nhân khẩu vừa được sơ tán ra khỏi nhà thì thảm họa ập đến mà họ được thoát nạn. Nếu sạt núi xảy ra ban đêm như các nơi khác thì tang tóc sẽ phủ cả vùng núi đồi này.
Zơrâm Tơn, một thanh niên Cơ Tu ở huyện Tây Giang về làm rể ở làng người Ca Dong này kiến nghị: Nhà nước và ngành điện lực cần phải có nghiên cứu kỹ về địa chất ở đây để tránh hiện tượng sạt núi liên tục như hiện nay. Theo Zơrâm Tơn, hồ nước thủy điện luôn đầy ở mùa mưa đã làm cho núi đồi “có chân”. Mặt hồ dâng lên đến lưng chừng, nên núi đã ngậm no nước. Bởi vậy, khi mưa lớn, ngọn núi còn lại không còn nơi để rút nước, sạt lở là tất yếu. Không hoàn toàn đổ tội cho thủy điện, nhưng cái nhìn từ thực tiễn của Zơrâm Tơn rất đáng để nghiên cứu, tìm giải pháp tránh họa sạt núi cho người dân trong tương lai.
Zơrâm Tơn cho biết, sạt núi khủng khiếp hơn lũ quét ở quê anh. Cả một ngọn đồi cao bỗng đâu ập xuống trong tích tắc. Tiếng núi đổ dội rền nghe rùng rợn hơn tiếng sấm, cả làng không còn dấu tích. Từ ngày bị trôi mất nhà, gia đình Zơrâm Tơn phải tá túc nhà bố vợ. 10 hộ dân khác ở Trà Bui cũng đang cảnh ăn nhờ ở đậu. Hiện ngoài sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đồng bào các nơi tự nguyện về trực tiếp, chính quyền cũng hứa sẽ cho 45 triệu đồng để những gia đình mất nhà hoàn toàn dựng lại nhà mới. Nhưng ngành điện thì chưa nghe nói gì, dù chính họ đã đẩy người dân đến nơi ở mới đầy hiểm nguy này.
Trên cùng chuyến đò, cô Trang là giáo viên “cắm bản” ở Trường Trung học cơ sở Trà Bui cho biết, lương của họ rất thấp. Đặc biệt, với các giáo viên hợp đồng, mới ra trường, lương chỉ có 3 triệu đồng mỗi tháng, sau khi trừ các khoản bảo hiểm… chỉ còn 2,5 triệu. Bây giờ cách trở đò giang, chi phí đi lại tăng đột biến, thu nhập gần như không đủ bù chi phí nếu mỗi tuần về quê 1 lần.
Để đóng một con đò với giá trị từ 150 - 200 triệu đồng giúp giáo viên và nhân dân Trà Bui vượt lòng hồ thủy điện không đến nỗi quá khó, tuy nhiên, chỉ sau mùa mưa, hồ Sông Tranh 2 xả nước phát điện, mặt hồ sẽ dần sụt thấp, bỏ lại các bản làng Ca Dong, Bh’Noong giữa lưng chừng núi. Thuyền không bến đỗ, đường chưa khắc phục, ốc đảo Trà Bui sẽ vẫn còn khó khăn hơn nhiều trong cảnh bị cô lập triền miên.
Gượng dậy sau bão Damrey
Cơn bão số 12 (Damrey) đã đi qua gần 2 tháng nhưng ở tâm bão Khánh Hoà vẫn còn những phận đời long đong. |
Nguy cơ tái nghèo sau bão
Sau bão lũ, hàng trăm ngôi nhà, diện tích hoa màu ở tỉnh Phú Yên bị thiệt hại, nhiều gia đình đứng trước nguy cơ ... |