- Kiến nghị một loạt cơ chế đặc thù gỡ khó cho đăng kiểm xe cơ giới
- Áp dụng cơ chế đặc thù 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam
- Thủ tướng: Nghiên cứu Đề án cơ chế đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm
Nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù đối với TP.HCM không như mong đợi là do có nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến các bộ ngành nhưng yêu cầu xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết...
Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành dựa trên đề xuất của TP.HCM có hiệu lực từ tháng 1/2018, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
Sau 4 năm, một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù không như mong đợi chính là có nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến các bộ ngành. Trong khi đó, nhiều trường hợp, các bộ ngành lại yêu cầu TP.HCM xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết. Chính vì vậy, việc triển khai cơ chế đặc thù chưa đạt kết quả cao, một số nội dung không được thực hiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, việc có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là rất cấp thiết. Bởi với đặc thù của TP.HCM, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa tạo ra không gian mới cho thành phố phát triển. Nghị quyết mới cũng sẽ kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, tạo cho TP.HCM động lực lớn hơn, mạnh hơn để phát triển, thúc đẩy vai trò đầu tàu của thành phố.
Về thu hút đầu tư, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đối với những vướng mắc tại các dự án đầu tư kinh doanh, có những vấn đề phải giải quyết ngay, đặc biệt là về hợp tác công tư (PPP). Chính vì vậy, Nghị quyết mới đã đưa ra nhiều đề xuất hoàn toàn mới. Chẳng hạn như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thực hiện theo hình thức BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT… Để thu hút đầu tư xã hội, TP.HCM đề xuất thí điểm các cơ chế ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết mới đã cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất. Doanh nghiệp sẽ biết mình phải trả tiền sử dụng đất bao nhiêu, đảm bảo minh bạch. TP.HCM cũng đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất, giúp nhà đầu tư tạo quỹ đất. Cụ thể là bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi và bằng đất khác theo tỷ lệ quy đổi. Đồng thời, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tạo được sự liên thông, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh các hồ sơ của doanh nghiệp.
“Các cơ chế này sẽ phần nào giải quyết những bất cập hiện tại của thành phố, những phần việc còn lại phải chờ sửa đổi Luật Đất đai”, ông Thắng nói.
Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng đề cập đến nội dung phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức vì từ khi thành lập đến nay, TP.Thủ Đức (gộp lại từ quận 2 quận 9 và quận Thủ Đức) vận hành như một cơ quan hành chính cấp huyện, điều này gây ra nhiều khó khăn trong vận hành công việc. Dự thảo Nghị quyết mới đề xuất giao thẩm quyền cho HĐND TP.HCM xác định các cơ quan chuyên môn trực thuộc TP. Thủ Đức cùng các chức năng, nhiệm vụ phù hợp với Nghị quyết mới thay thế; TP.HCM sẽ có điều kiện phát triển đô thị dọc tuyến metro, đường vành đai 3, giúp TP. Thủ Đức có thể xây dựng được hệ thống giao thông đô thị đồng bộ.
Trước những vấn đề thực tế, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ, thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54, Nghị quyết mới tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới. Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ tháo gỡ rất lớn cho TP.HCM về thể chế, đặc biệt huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền cho thành phố chủ động hơn. Trong đó có nhấn mạnh đến tổ chức bộ máy chính quyền của TP.Thủ Đức, chủ động để mô hình thành phố trong thành phố hoạt động tốt hơn.