Lượng giao thông đổ ra đường tăng cao, các công trình hối hả thi công khiến ô nhiễm không khí tại TPHCM tăng lên.
Sáng 24/12, nhiều tòa cao ốc ở khu vực trung tâm TP.HCM biến mất trong màn sương mù, tầm nhìn bị hạn chế còn 8 km. Bảng xếp hạng chất lượng không khí từ Airvisual cho thấy TP.HCM có AQI kém nhất cả nước, với 180 đơn vị (tương đương cảnh báo đỏ, mức có hại cho sức khỏe).
Lý giải điều này, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết mưa suốt chiều hôm qua và rạng sáng nay khiến độ ẩm tăng đột ngột. Độ ẩm này ngưng tụ cùng với bụi lơ lửng làm ô nhiễm không khí tăng cao.
Lúc 7h, khu vực đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) đứng đầu bảng xếp hạng với chỉ số AQI là 276 đơn vị (mức tím, ngưỡng nguy hại sức khỏe nghiêm trọng).
Đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng có AQI ở mức nguy hại nghiêm trọng 258 đơn vị, Thảo Điền (quận 2) 211 đơn vị. Chỉ số AQI của các quận, huyện còn lại từ 170-191 đơn vị.
Còn theo ứng dụng PamAir, chỉ số AQI tại hầu hết quận trung tâm TP.HCM chạm ngưỡng rất có hại đến nguy hiểm. Chỉ số đo được tại quận 1 là 274 đơn vị, quận 5 là 332 đơn vị, quận 8 là 356 đơn vị.
Riêng xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), AQI cũng chạm ngưỡng nguy hiểm với chỉ số cao nhất lên đến 448 đơn vị.
Những ngày cuối năm là cao điểm xây dựng nên phát sinh lượng bụi mịn lớn gây ô nhiễm. Thêm vào đó, từ nay đến Tết lưu lượng xe di chuyển ngày càng tăng do nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân.
Hình thái thời tiết cũng là nguyên nhân khiến không khí khó cải thiện. Không khí lạnh từ miền Bắc khó ảnh hưởng xuống phía Nam nên thời tiết tại TPHCM và các tỉnh Nam Bộ tương đối ổn định. Ngày nắng nhiều, quang hóa mạnh, độ ẩm thấp, trời hầu như không mưa nên mức độ ô nhiễm không thể nào giảm được.
Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), ô nhiễm không khí tại TPHCM đến từ 3 nguồn chính: hoạt động giao thông chiếm khoảng 50%; hoạt động xây dựng chiếm khoảng 30%; còn lại là hoạt động công nghiệp.
Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, toàn TPHCM hơn 8 triệu phương tiện xe các loại, trong đó chủ yếu là xe gắn máy, với khoảng hơn 7,2 triệu chiếc.
Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Để đánh giá hiện trạng phát thải của xe máy đang lưu hành trên địa bàn, từ tháng 5.2020, Sở GTVT TPHCM đã triển chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy miễn phí tại 8 điểm.
Trong đó, thành phố chú trọng đến lượng xe máy đã sử dụng trên 5 năm trên địa bàn TPHCM. Các giải pháp kiểm soát khí thải xe máy có thể nghiên cứu là kiểm định xe máy định kỳ, xử lý xe không đạt chuẩn khí thải bằng cách bảo dưỡng, thu hồi, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện...
PV (th)
Khi nào Hà Nội chấm dứt ô nhiễm không khí? |
Hà Nội lại ô nhiễm không khí nghiêm trọng |
Cảnh báo gia tăng ô nhiễm không khí về đêm tại khu vực miền Bắc |