TP Hồ Chí Minh: Số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng phải nhập viện tăng

Thống kê vẫn còn khoảng 30% phụ huynh tại địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa đồng thuận cho trẻ trong khoảng 5 đến 17 tuổi đi tiêm vaccine COVID-19.

Ngày 16/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) tiến hành khảo sát nhanh đợt 2 về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 17 tuổi, trên 2.792 phụ huynh. Trong đó, có 2.123 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi (76%) và 699 phụ huynh có con từ 12 đến 17 tuổi (24%). Các trẻ đều đang đi học trên địa bàn.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong nhóm trẻ từ 5-11 tuổi: có 701 trẻ chưa tiêm vaccine (chiếm 33%), 723 trẻ tiêm 1 mũi (chiếm 34%), 699 trẻ tiêm 2 mũi (chiếm 33%). 

Khoảng 30% phụ huynh TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đồng thuận cho trẻ đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 -0
 Ngành y tế địa phương tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại điểm tiêm trường THCS Tôn Thất Tùng (quận Tân Phú).

Đối với nhóm tuổi từ 12 đến 17 tuổi, có 15 trẻ chưa tiêm vaccine (chiếm 2%), 29 trẻ tiêm đã tiêm 1 mũi (chiếm 4%), 326 trẻ đã tiêm 2 mũi (chiếm 49%) và 299 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm 45%).

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phân tích các lý do khiến phụ huynh không đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine. Trong đó, phổ biến nhất là do trẻ đang mắc các bệnh cấp tính (21%), trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên không có mặt tại thành phố (19%), trẻ đã mắc COVID-19 trước đó (16%). 

Tuy nhiên, còn 2 lý do thuộc về cảm nhận chủ quan của phụ huynh đó là lo vaccine gia hạn (19%), và sợ trẻ bị tác dụng phụ (13%).  Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi biết được những lý do khiến phụ huynh chưa cho con đi tiêm vaccine, ngành y tế sẽ cùng với nhà trường tiếp tục hướng đến những mục tiêu truyền thông cần điều chỉnh. 

Ông Thượng lưu ý, những phản ứng phụ khi tiêm vaccine là hoàn toàn có thể xảy ra và hầu hết là triệu chứng nhẹ. Ngành y tế, nhà trường luôn chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng phát hiện và xử trí kịp thời. 

Bên cạnh đó, vaccine COVID-19 không có hạn sử dụng cố định. Do được sử dụng khẩn cấp, nhà sản xuất sẽ lựa chọn hạn dùng mà trong khoảng thời gian nghiên cứu có dữ liệu đảm bảo được tính ổn định của vaccine.

Khi có thêm thời gian và dữ liệu về tính ổn định của vaccine nhà sản xuất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để được phép gia hạn sử dụng. Điều này giúp tránh việc phải tiêu hủy các lọ vaccine trong khi chất lượng vẫn được duy trì ổn định. Những lô vaccine khi được phép gia hạn sử dụng đều đã được thẩm định là đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.

Tính đến hết ngày 16/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 23.040.557 mũi (bao gồm 8.618.404 mũi 1; 7.671.530 mũi 2; 688.581 mũi bổ sung; 4.713.141 mũi nhắc lần 1; 1.348.901 mũi nhắc lần 2). Tuần qua, số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng, phải nhập viện tại thành phố cũng tăng lên.

https://cand.com.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-so-tre-mac-covid-19-co-trieu-chung-phai-nhap-vien-tang--i664554/ 

Huyền Nga / cand.com.vn