- Nhà ở xã hội vẫn xa “tầm với” của người thu nhập thấp
- Đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con được ưu tiên mua nhà ở xã hội
Với lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh có thể chi trả 10-12 triệu đồng/tháng để mua nhà ở xã hội.

Nhu cầu lớn, nguồn cung ít
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, hiện có hơn 1,4 triệu người tại thành phố đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Số lượng này rất lớn so với số lượng nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn.
Gia đình anh Hoàng Ngọc Cẩn với 4 thành viên đang thuê một căn hộ chung cư 55m² tại phường Cát Lái (thành phố Thủ Đức) với mức chi trả tiền thuê nhà cùng các khoản phí khác khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng. Anh Cẩn làm công nhân tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, vợ anh buôn bán tự do, với tổng thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.
Anh Hoàng Ngọc Cẩn chia sẻ: “Tôi hiện đã ngoài 30 tuổi, đang có công việc và thu nhập tương đối ổn định nên nhu cầu về nhà ở là điều quan tâm nhất lúc này. Nếu có chính sách vay với lãi suất dưới 5%/năm, thời hạn cho vay dài hạn thì chúng tôi sẵn sàng vay để mua nhà ở xã hội”.

Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đặt mục tiêu xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn đầu (2021-2025), thành phố đặt chỉ tiêu hoàn thành từ 26.200 đến 35.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ mới hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân với khoảng 2.745 căn, chỉ đạt 20% chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025.
Nói về nguyên nhân thành phố Hồ Chí Minh chậm phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành (doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nút thắt khó gỡ nhất chính là thủ tục pháp lý. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, để hoàn tất thủ tục đầu tư một dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải mất từ 3-5 năm, với hơn 100 con dấu.

Có thể chi trả trên 10 triệu đồng/tháng
Theo anh Hoàng Ngọc Cẩn, thu nhập của anh và vợ có thể gói ghém chi trả trên 10 triệu đồng/tháng để tiếp cận mua nhà ở xã hội, với mức giá trên 1 tỷ đồng/căn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, HoREA vừa đưa ra 3 đề xuất để góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội: Bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thủ tục hành chính (vì thủ tục này chỉ mang tính hình thức); đề nghị bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước chi trung hạn (chu kỳ 5 năm) và phân bổ hằng năm để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để hỗ trợ lãi suất thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội (mức 4,8%/năm); đề nghị không áp giá trần nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, đề xuất thứ 3 căn cứ Luật Nhà ở hiện hành quy định tất cả chi phí hợp pháp đều được tính vào giá thành nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, hiện giá nhà ở xã hội tại các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn mà có giá khác nhau. Chẳng hạn, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khoảng trên 1 tỷ đồng/căn, các địa phương khác thường dưới 1 tỷ đồng/căn.

Theo tính toán, giá nhà ở xã hội khoảng 1 tỷ đồng/căn, chính sách cho vay 80% (tức vay 800 triệu đồng), với lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm, thì mỗi tháng người mua nhà ở xã hội chỉ phải chi trả từ 5-6 triệu đồng. Mức chi trả này phù hợp với đại bộ phận người lao động cần nhà ở tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát của HoREA cho thấy, giá nhà ở xã hội cao nhất không vượt quá 2 tỷ đồng/căn. Với mức giá này, nếu được vay 80%, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm, thì mỗi tháng người mua nhà ở xã hội chi trả ở mức từ 10-12 triệu đồng. Theo HoREA, mức này đối với người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh không phải là gánh nặng, có thể chi trả được.