TP HCM "trảm" 180 dự án chậm triển khai

180 dự án sẽ bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm và sẽ công khai "tên tuổi" trên truyền thông

UBND TP HCM ngày 13-12 đã có công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc xử lý những dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Tổng diện tích hơn 800 ha

Theo đó, UBND TP HCM chấp thuận báo cáo, đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về việc điều chỉnh, hủy bỏ thu hồi quyết định đầu tư các dự án cần thu hồi đất đã không triển khai thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp quận - huyện với 180 dự án; đồng thời công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông.

tp hcm quottramquot 180 du an cham trien khai

Dự án xây dựng bãi xe ngầm Trống Đồng ở Công viên Tao Đàn với 7 tầng ngầm, 3 tầng nổi sau 8 năm triển khai đến nay vẫn nằm trên giấyẢnh: HOÀNG TRIỀU

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đối với 100 dự án cấp quận - huyện đã được UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm từ năm 2015-2018 theo thẩm quyền nhưng đến nay không thực hiện đúng, UBND TP giao Sở TN-MT đề xuất cụ thể hướng giải quyết các vấn đề phát sinh sau quá trình công khai, xử lý. Còn với 80 dự án thuộc trường hợp thu hồi đất đã được HĐND TP HCM có nghị quyết thông qua, phải rà soát thật chặt chẽ pháp lý, trình HĐND TP điều chỉnh, hủy bỏ theo thẩm quyền. Về trình tự, thủ tục trình HĐND TP HCM điều chỉnh, hủy bỏ 80 dự án đã được HĐND TP thông qua, ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay UBND TP giao Sở TN-MT khẩn trương tham mưu, trình UBND TP tại kỳ họp gần nhất của HĐND TP (tháng 1-2019).

Song song đó, UBND TP HCM cũng giao UBND các quận - huyện tiếp tục rà soát các dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp quận - huyện; khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn của Sở TN-MT, thu hồi nếu không triển khai đúng kế hoạch.

Theo Sở TN-MT TP HCM, 180 dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm từ năm 2015-2018 của các quận - huyện nêu trên có tổng diện tích là 812,9 ha. Sở này cho hay liên quan trình tự, thủ tục xử lý diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm nêu trên vẫn còn khúc mắc. Về trình tự, thủ tục để xử lý thì Luật Đất đai và nghị định chưa hướng dẫn cụ thể phương án điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trước đây, Sở TN-MT TP đã có Công văn 9021/2017 báo cáo và xin ý kiến của Bộ TN-MT nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn giải quyết.

Điểm mặt những dự án đình đám

Trong 180 dự án không thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quận 10 dẫn đầu với 22 dự án, huyện Bình Chánh có 17 dự án, quận 9 có 15 dự án, Thủ Đức 13 dự án, quận 6 có 10 dự án, quận 3 có 11 dự án. Quận 2 có 1 dự án bị điểm tên là khu nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ, khách sạn, văn phòng cao tầng của Công ty Thương mại Dịch vụ Đầu tư Hồng Quang với diện tích 9,68 ha ở phường Bình Khánh…

Riêng quận 1 có 8 dự án, trong đó đáng chú ý là dự án xây dựng bãi xe ngầm Trống Đồng ở Công viên Tao Đàn với diện tích 0,54 ha do Công ty Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư. Ngoài ra, quận 1 còn có dự án 235B Nguyễn Văn Cừ của Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật với diện tích 1,5 ha; dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão với 1,22 ha; dự án Khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế với diện tích 0,36 ha.

Trong các dự án trên, dự án ở khu đất Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão từng tốn không ít giấy mực của báo chí. Khu đất này nằm sát Công viên 23 Tháng 9, Quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành. Theo quy hoạch, khu đất này được xây dựng với chiều cao tối đa 260 m, từ 60-65 tầng với nhiều chức năng như khách sạn, tài chính, thương mại, văn phòng… Vì thế, khu đất này được giới đầu tư gọi là "tam giác vàng".

Ngay từ năm 2007, TP đã tổ chức đấu thầu khu đất này. Sau đó, Chính phủ xác định quá trình đấu thầu có nhiều sai sót nên phải hủy kết quả đấu thầu và đơn vị trúng thầu rút khỏi dự án. Tiếp sau, một liên danh gồm 4 công ty xin nhận đầu tư dự án này và được chấp thuận. Thế nhưng, mãi đến năm 2011, liên danh này vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu để bảo đảm thực hiện dự án. Do đó, UBND TP HCM phải chấm dứt việc xem xét cho liên danh trên thực hiện. Năm 2015, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP chấp thuận đưa khu đất này ra đấu thầu một lần nữa. Kết quả là liên danh khác đã trúng thầu. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.

Cũng nằm trên địa bàn quận 1, dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại - dịch vụ và sân khấu Trống Đồng cũng nằm ì. Theo tính toán ban đầu, dự án này có tổng diện tích sàn là 47.732 m2, xây dựng 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi. Trong đó, phần sân khấu và khán đài nằm ở tầng 3. Tầng 1, 2 và các tầng hầm B1, B2, B3 phục vụ thương mại. Những hầm còn lại phục vụ việc đỗ xe với tổng số chỗ cho 890 ôtô, 400 xe máy. Tổng vốn đầu tư của dự án là 740,740 tỉ đồng.

Dự án trên được TP chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai từ năm 2010 nhưng suốt 8 năm qua vẫn "bất động" do vướng nhiều thủ tục và liên tục phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế. Vào thời điểm năm 2017, dự án đã hoàn chỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, chờ cấp giấy phép xây dựng và các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vướng mắc gần đây nhất của dự án là do nằm trong vùng kiểm soát xây dựng của tuyến metro số 2 nên tiếp tục phải xem xét, điều chỉnh về thiết kế kỹ thuật.

Nhiều nguyên nhân

Theo Sở TN-MT TP, nguyên nhân khiến một số dự án nêu trên không thực hiện là theo quy định tại điểm a, điều 10, điều 11 của Nghị định 30/2015 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư): "Căn cứ lập danh mục dự án sử dụng đất là: ...Kế hoạch sử dụng đất hằng năm, danh mục dự án cần thu hồi đất đã được phê duyệt;... "để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư". Đến nay, các khu đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư theo Luật Đấu thầu vẫn chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác.

Một số dự án không thực hiện được còn do thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn các quận trung tâm; không có khả năng thực hiện do thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...

Một nguyên nhân khác là năm 2015, Luật Đầu tư công có hiệu lực nên UBND các quận - huyện đăng ký các dự án đầu tư công vào kế hoạch sử dụng đất khi chỉ mới được ghi vốn chuẩn bị đầu tư để nghiên cứu lập dự án. Thế nhưng, đến nay, một số dự án vẫn chưa được ghi vốn thực hiện do ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách trọng điểm nên không có khả năng thực hiện.

Đối với một số dự án sử dụng vốn khác, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc thiếu nguồn lực, thiếu vốn và kinh nghiệm triển khai.

Dự án treo không thể bỏ sẽ được chia nhỏ Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, đối với các dự án kéo dài không triển khai nhưng không thể hủy bỏ như Rạch Xuyên Tâm, Bình Quới - Thanh Đa, Công viên Safari, đường Vành đai 3..., TP sẽ thay đổi cách làm. Cụ thể, tách bồi thư ờng giải phóng mặt bằng riêng và có biện pháp triển khai ngay để bảo đảm thu hồi đất đúng mục tiêu được duyệt và như đã công bố. Đối với các dự án đang bị thanh tra, TP HCM đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để rà soát lại lần nữa, nếu không vướng thì sẽ tiếp tục cho triển khai. Ngoài ra, với các dự án gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp trong đô thị, TP cũng đã yêu cầu quận - huyện làm việc với doanh nghiệp để chuyển đổi ngành nghề, nếu không thì sẽ thu hồi.
tp hcm quottramquot 180 du an cham trien khai Vì sao TP.HCM chậm triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hóa ở TP chậm trễ là do phương án sắp xếp, đổi mới ...

tp hcm quottramquot 180 du an cham trien khai TP.HCM thu hồi 215 dự án chậm triển khai ngay trong năm 2018

TP.HCM lập tổ công tác để rà soát, xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai, không để xảy ra tình trạng phân ...

/ https://nld.com.vn