Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM khẳng định TP sẽ tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.
Trong kỳ họp thứ 12, HĐND TP HCM khóa IX, các đại biểu (ĐB) đã đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác chống ngập và tiến độ dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1" với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.
ĐB Cao Thanh Bình băn khoăn: "Một trong 4 ý kiến kiến nghị chính quyền mà đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đưa ra là về công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng, hiện công trình đã tạm thời dừng thi công, vậy chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới ra sao?". Các ĐB khác thì trăn trở trước thực trạng cứ hễ mưa lớn là TP lại ngập ở nhiều nơi.
Liên quan dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay vấn đề lớn nhất hiện nay là việc chậm giải ngân. Bên cạnh đó, tới thời điểm này, tranh cãi giữa tư vấn giám sát hợp đồng và nhà đầu tư chưa được giải quyết. "Việc này TP đã báo cáo với Thường trực Thành ủy. TP quyết tâm tái khởi động dự án" – ông Dũng nhấn mạnh.
Cống Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án 10.000 tỉ đồng (Ảnh: Sỹ Đông)
Về những điểm ngập trên địa bàn TP, theo ông Dũng, đến thời điểm hiện tại 7 điểm đăng ký giải quyết ngập trên địa bàn về cơ bản đã được đầu tư tương đối hoàn thành, đảm bảo về tiến độ. Mặc dù có những dự án chưa hoàn thành 100%, tuy nhiên đã giải quyết trước về mặt thoát nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũngnhận định việc thực hiện công tác chống ngập là rất khó khăn, bởi tốc độ đô thị hóa của TP là rất nhanh. Trong khi, nguồn lực của TP dành cho công tác đầu tư hệ thống thoát nước lại thiếu. Chẳng hạn theo quy hoạch của TP, để đảm bảo về nhu cầu thoát nước thì cần 6.000 km hệ thống thoát nước nhưng hiện nay theo thống kê, TP chỉ đạt khoảng 4.200 km hệ thống thoát nước, thiếu 1.800 km. Đáng lưu ý, trên tất cả các tuyến đường ở quận 2 có tới 40% không có hệ thống thoát nước; ở quận 9 là 60%. Nhưng tốc độ đô thị hóa, tốc độ xây dựng nhà ở tại các địa phương này là rất nhanh, hai bên đường gần như trở thành đê chắn, khi nước mưa đổ xuống phần lớn chảy trên mặt đường, dẫn đến ngập.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến ngập được đề cập liên quan đến vấn đề kiểm soát triều. Nguyên nhân theo ông Dũng, dù năm 2008, TP được Chính phủ quan tâm, quy hoạch về kiểm soát triều. Tuy nhiên đến năm 2015, bằng nguồn ngân sách của TP, chỉ mới đầu tư được 1 trong 13 cống kiểm soát triều nằm trong quy hoạch, đó là Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Riêng các tuyến đê để kết nối với hệ thống gần như chỉ nằm trên giấy.
Các địa phương chịu trách nhiệm gì? ĐB Trương Lâm Danh khẳng định TP mưa xuống là ngập. Một trong những nguyên nhân chính yếu là do việc lấn chiếm kênh rạch ở các quận-huyện chưa được xử lý. Ông Danh dẫn chứng lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn TP là 75 vị trí nhưng mới xử lý 16 vị trí, lấn chiếm cửa xả 59 vị trí thì mới xử lý 13, lấn chiếm hầm ga 40/105, lấn chiếm tuyến cống hơn 14.000 với 398 vị trí mới xử lý 1.447 mét cống. Từ đây, ông Danh đặt vấn đề các địa phương đã làm gì và xử lý ra sao? |
Kết luận của UBND TP HCM về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc điều hành, sử dụng khoản vay, tổ chức thi công dự án chống ngập ... |
Khám phá công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng cho TP.HCM dần thành hình
Sau 1 năm 6 tháng xây dựng, tính đến tháng 12.2017 dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố ... |