TP HCM cần 137.000 tỷ đồng cho giao thông năm 2021

Kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại thành phố năm nay cần hơn 137.600 tỷ đồng, theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách để làm đồng bộ đến năm 2030.

Nội dung đề cập trong kế hoạch thực hiện đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, vừa được Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình ban hành. Trong tổng mức đầu tư các công trình năm 2021, vốn ngân sách dự kiến gần 64.000 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn vốn Trung ương, ODA, xã hội hoá...

TP HCM cần 137.000 tỷ đồng cho giao thông năm 2021
Công trình cầu Thủ Thiêm 2, hồi giữa tháng 1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

Năm nay nhiều công trình dự kiến hoàn thành như 4 tuyến đường chính ở Khu đô thị mới Thủ thiêm, cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức); nâng cấp tuyến Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9 - huyện Hóc Môn); cầu Hang Ngoài (quận Gò vấp), cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức)...

Các dự án trọng điểm, cấp bách sẽ được trình thông qua chủ trương đầu tư như cao tốc TP HCM - Mộc Bài; Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 50, 22, 13. Kế đến là dự án nút giao An Phú cùng các cây cầu lớn vượt sông như Thủ Thiêm 4, Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, Bình Tiên...

Hai dự án đường trên cao số 1 (nút giao Cộng Hòa - Ngô Tất Tố), số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); xây dựng hoàn chỉnh đường trục Bắc - Nam (Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); dự án kết nối buýt với Metro Số 1, Bến xe Miền Tây mới... cũng dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.

TP HCM cần 137.000 tỷ đồng cho giao thông năm 2021
Đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) thuộc Vành đai 2 TP HCM đang dang dở, hồi cuối năm 2020. Ảnh: Gia Minh.

UBND thành phố tính toán cần hơn 970.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông ở TP HCM giai đoạn 2020-2030. Những dự án được ưu tiên đầu tư trong thời gian này như cao tốc: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (mở rộng), TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tập trung thực hiện các dự án quốc lộ: 1, 13, 22, 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà; hoàn thành vành đai 2, 3.

Nhóm dự án liên kết vùng như cầu Cát Lái, trục động lực kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang, mở mới đường Tây Bắc, nối dài đường Võ Văn Kiệt, tuyến trên cao vượt sông Đồng Nai... cũng sẽ được ưu tiên thực hiện.

Ngoài ra, TP HCM sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); triển khai các tuyến Số 2 (Bến Thành - Tham Lương); số 5 giai đoạn một (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; các dự án cảng ICD tại TP Thủ Đức, huyện Củ Chi...

TP HCM cần 137.000 tỷ đồng cho giao thông năm 2021
Đoàn tàu thứ 2 thuộc Metro Số 1 hạ xuống đường ray tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, hồi tháng 5. Ảnh: Gia Minh.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, dựa trên các mục tiêu, tiêu chí lựa chọn danh mục dự án đầu tư, Sở sẽ phối hợp cơ quan liên quan cùng chính quyền các địa phương xây dựng danh mục để thực hiện. Trong đề án hiện cũng đề ra 8 tiêu chí với tổng điểm 100, nhằm xác định mức độ ưu tiên để đầu tư.

Hết năm 2020, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP HCM đạt hơn 4.500 km, mật độ hơn 2 km mỗi km2 (tiêu chuẩn 10-13 km mỗi km2). Thành phố hiện quản lý hơn 8,3 triệu xe (gần 7,5 triệu xe máy, hơn 785.000 ôtô); so với năm 2019, xe cá nhân tăng hơn 3%. Hệ thống hạ tầng giao thông ở thành phố hiện được xem vừa thiếu vừa yếu so với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Gia Minh

Dịch xâm nhập công ty 56.000 công nhân ở TP HCM Dịch xâm nhập công ty 56.000 công nhân ở TP HCM

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam với 56.000 công nhân ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên dấy lên nỗi lo dịch bùng phát ở doanh ...

TP HCM có thiếu máy thở, ECMO nếu thêm nhiều bệnh nhân nặng? TP HCM có thiếu máy thở, ECMO nếu thêm nhiều bệnh nhân nặng?

TP HCM hiện có 16 máy ECMO nằm rải rác các bệnh viện, hàng trăm máy thở và hơn 100 máy thở dự trữ, Sở ...

/ vnexpress.net