Nguồn tin của Reuters cho biết yêu cầu này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục hôm 12/11 với các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
Một quan chức Mỹ ngày 16/11cho biết các cố vấn đã thuyết phục ông Trump không triển khai một đợt tấn công vào Iran vì nguy cơ xảy ra xung đột lớn hơn.
"Ông ấy yêu cầu các lựa chọn. Họ đưa cho ông ấy các kịch bản và cuối cùng ông ấy quyết định không tiếp tục", quan chức này nói.
Nhà Trắng hiện từ chối bình luận về thông tin trên.
Tổng thống Trunp suýt phát động một cuộc tấn công Iran tuần trước. |
Cuộc họp được triệu tập một ngày sau khi các thanh sát viên quốc tế cho hay Iran đã tăng đáng kể kho dự trữ vật liệu hạt nhân. Trump đã hỏi các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu rằng Mỹ còn những lựa chọn nào và nên phản ứng ra sao với Iran.
Yêu cầu được Trump đưa ra trong bối cảnh ông nhiều khả năng sẽ phải chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1 năm sau. Trump được xác định đã thua trong cuộc bầu cử, nhưng ông tới nay vẫn từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ và không thúc đẩy nỗ lực chuyển giao quyền lực cho Biden.
Các cố vấn, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo và tướng Milley, đã thuyết phục Trump không triển khai chiến dịch tấn công vì hành động này có nguy cơ làm leo thang căng thẳng quân sự ở khu vực.
Trong gần 4 năm cầm quyền, Trump theo đuổi chính sách bị coi là gây căng thẳng với Iran, bao gồm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA đạt được dưới thời tổng thống Barack Obama và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Tehran.
Hồi tháng 6/2019, ông Trump cũng từng lên kế hoạch không kích Iran để trả đũa Tehran bắn rơi một thiết bị bay không người lái của Mỹ. Nhưng ông chủ Nhà Trắng cho biết đã hủy kế hoạch vào phút chót vì lo ngại vụ tấn công sẽ gây nhiều thương vong.
Cách đây hơn 1 tuần, tờ Axios dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Trump đang lên kế hoạch phối hợp cùng Israel và một số quốc gia Vùng Vịnh nhấn chìm Iran bằng 1 loạt các lệnh trừng phạt mới.
Trump hồi tháng 1 ra lệnh triển khai máy bay không người lái (UAV) hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bên ngoài sân bay Baghdad, Iraq.
Iran sau đó phóng tên lửa vào sân bay có lính Mỹ đồn trú ở Iraq để trả đũa. Tuy nhiên, Trump tránh leo thang xung đột khi không tung đòn đáp trả. Ông cũng yêu cầu rút quân khỏi các điểm nóng xung đột toàn cần mà Tổng thống Mỹ gọi là "những cuộc chiến bất tận".
Căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và Iran sẽ để lại hậu quả cho người kế nhiệm |
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc hôm 11/11 báo cáo Iran đã hoàn thành chuyển lô máy ly tâm tiên tiến đến cơ sở dưới lòng đất, hành động bị coi là vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Số thiết bị này từng được lắp đặt tại một nhà máy trên mặt đất thuộc cơ sở làm giàu uranium chính của Iran.
Iran đang sở hữu 2,4 tấn uranium làm giàu ở nồng độ thấp, vượt xa giới hạn 202,8 kg được nêu ra trong thỏa thuận JCPOA. Iran sản xuất 337,5 kg uranium nồng độ thấp trong quý III, thấp hơn mức 500 kg trong quý I và II, IAEA cho biết.
Nguồn tin trên cũng khẳng định, chính quyền đương nhiệm cách đây vài tuần để thúc giục Tel Aviv chuẩn bị danh sách các tổ chức Iran để đưa vào danh sách trừng phạt vào thời gian tới.
Thậm chí theo nguồn tin này, ông Trump có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran mỗi tuần cho tới ngày cuối cùng trước khi nhà lãnh đạo Mỹ rời nhiệm sở.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân chính của Iran ở Natanz có thể làm bùng phát xung đột tại khu vực và đặt ra thách thức nghiêm trọng về chính sách đối ngoại với Tổng thống đắc cử Joe Biden khi ông nhậm chức.
Phóng viên (t/h)