Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng nước này không cần chào đón đại sứ 10 nước phương Tây, gồm cả Mỹ, Pháp và Đức, sau khi họ đòi Ankara thả một nhân vật đối lập.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây tiếp tục leo thang, sau khi nhóm đại sứ 10 nước Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển hôm 18/10 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thả nhân vật đối lập Osman Kavala, 64 tuổi.
Kavala sinh ra ở Paris và bị bắt giam tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2017 nhưng chưa bị kết án. Ankara cáo buộc ông này đứng sau đợt biểu tình chống chính phủ năm 2013 và âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Erdogan bất thành năm 2016.
Kavala bác các cáo buộc nhằm vào mình. Nhóm 10 đại sứ cho biết trong một tuyên bố rằng sự trì hoãn trong hoạt động tố tụng đối với Kavala là thiếu minh bạch và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả ông này lập tức theo phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Đáp lại yêu cầu của phương Tây, ông Erdogan khẳng định, hoạt động của cơ quan tư pháp nước này là độc lập và không thể bị can thiệp.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu cả 10 đại sứ của 10 quốc gia trên tới phản đối việc can thiệp vào hoạt động tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu thì khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia dân chủ về luật pháp. Việc "các đại sứ đưa ra khuyến nghị và gợi ý cho cơ quan tư pháp trong một vụ án đang diễn ra là không thể chấp nhận được".
Trong diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ cách đây không lâu từng cáo buộc chính Mỹ là bên đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan.
Thái Hà
Belarus trục xuất đại sứ Pháp |
Bức màn bí mật quanh việc một siêu tin tặc Nga được Mỹ trục xuất |
NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga, Moskva tuyên bố đáp trả |