Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuyên quyền Thủ tướng Armenia Karen Karapetyan tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị bằng luật pháp.
Reuters ngày 27-4 cho biết ông Putin đã đưa ra lời khuyên nói trên trong lúc điện đàm với ông Karapetyan.
Armenia, đồng minh thân cận của Nga, đang chìm trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị theo sau các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong suốt 2 tuần qua, buộc Thủ tướng Serzh Sarksyan từ chức hôm 23-4.
Ông Sarksyan trước đây từng giữ chức tổng thống Armenia trong suốt một thập kỷ.
Tuy nhiên, quyết định từ chức của ông Sarksyan vẫn không thể làm thỏa lòng những người biểu tình vì họ cho rằng toàn bộ chính phủ Armenia đã bị vấy bẩn bởi quá trình chuyển quyền lực từ tổng thống đến thủ tướng của ông Sarksyan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định khủng hoảng chính trị Armenia cần được giải quyết bằng luật pháp. Ảnh: Reuters
Đám đông biểu tình muốn thủ lĩnh phe đối lập Nikol Pashinyan được đưa lên làm thủ tướng tạm quyền trước khi các cuộc bầu cử Quốc hội sớm hơn dự kiến được tổ chức theo luật bầu cử mới.
Trong khi đó, quyền Thủ tướng Karapetyan bác đề xuất đàm phán của ông Pashinyan về việc giải quyết khủng hoảng chính trị cho Armenia.
"Quyền Thủ tướng Karapetyan cho rằng việc tham gia vào ‘các cuộc đàm phán’ không mang lại kết quả là vô ích" – người phát ngôn của ông Karapetyan trong một tuyên bố cho biết.
Ông Karapetyan sau đó cáo buộc phe đối lập về điều mà ông gọi là "muốn độc chiếm tiến trình chính trị", đồng thời khẳng định rằng khủng hoảng chính trị chỉ được giải quyết bằng việc nhận sai và đàm phán thành thật.
Quyền Thủ tướng Armenia Karen Karapetyan bác đề xuất đàm phán của Thủ lĩnh đối lập Nikol Pashinyan. Ảnh: Reuters
"Chúng ta nên biết thế lực hoặc các thế lực chính trị nào mang lại tương lai tươi sáng hơn cho đất nước…Chúng ta nên ủng hộ một chương trình thay vì chỉ bầu chọn ra một cá nhân" – ông Karapetyan khẳng định với kênh truyền hình Shant TV.
Trong khi đó, thủ lĩnh đối lập Pashinyan – người đứng đầu các cuộc biểu tình được tiến hành mỗi ngày trên đường phố - cho rằng ông Karapetyan đang đi vào vết xe đổ của ông Sarksyan, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình.
Hôm 27-4, hàng ngàn người biểu tình đổ xuống các tuyến đường trên khắp Gyumri, thành phố lớn thứ hai của Armenia, phản đối chính phủ trong lúc hô vang tên của ông Pashinyan.
Những người ủng hộ ông Pashinyan đã lên kế hoạch biểu tình bên ngoài TP Gyumri vào hôm 28-4 trước khi quay lại thủ đô Yerevan để tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ ngày 29-4.
Chính phủ Armenia đang đối mặt nhiều cuộc biểu tình phản đối. Ảnh: Reuters
Cao Lực (Theo Reuters)
"Cách mạng nhung" rúng động nước láng giềng đồng minh của Nga
Tổng thống Armenia Armen Sargsyan hôm 23.4 đã chấp nhận sự từ chức của chính phủ dưới sức ép của người biểu tình. |
Nga cho Armenia và đối thủ Azerbaijan vay tiền mua vũ khí
Là 2 quốc gia được coi là đối thủ của nhau, tuy nhiên Armenia và cả Azerbaijan đều được Nga bán vũ khí với hình ... |