- Các vùng ly khai Ukraine bỏ phiếu sát nhập Nga
- Lý do Nga tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine
Tổng thống Pháp Macron cho rằng đại dịch COVID-19 là một trong những lý do dẫn đến việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra những suy đoán của bản thân về việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Ông Macron cho rằng chính sách đối ngoại của Moskva và quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một cách bất chợt thay vì suy nghĩ vấn đề này một cách nghiêm túc.
“Tôi tin rằng hành động của Tổng thống Nga là hệ quả của đại dịch COVID-19, khi cả nước Nga bị đặt trong tình trạng giãn cách”, ông Macron nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn đặc biệt trên CNN.(Ảnh cắt màn hình)
Nhà lãnh đạo Pháp lập luận, khi Tổng thống Putin “quyết định phát động cuộc chiến vào ngày 21/2, tôi nghĩ rằng ông ấy đã mắc sai lầm, một sai lầm rất lớn”.
Vào ngày 21/2/2022, Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk là các quốc gia có chủ quyền, cùng với đó là một cam kết ủng hộ về mặt quân sự đối với hai vùng ly khai này. Chỉ 3 ngày sau Moskva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt.
Theo RT, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là hệ quả đến từ việc liên minh quân sự NATO không ngừng mở rộng sang phía đông và áp sát biên giới Nga, trong khi đó Mỹ và đồng minh từng cam kết với Moskva sẽ không mở rộng liên minh về phía đông vào năm 1991.
Moskva đã nhiều lần tìm cách đối thoại với Mỹ và các thành viên NATO về việc liên minh này kết nạp Ukraine vào năm 2021, tuy nhiên mọi nỗ lực của người Nga đều kết thúc trong vô vọng. Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã từ chối các yêu cầu an ninh do phía Nga đề xuất, đồng thời khẳng định sẽ kết nạp Ukraine vào khối.
Quay lại cuộc phỏng vấn của ông Macron với CNN, nhà lãnh đạo Pháp đổ hết trách nhiệm về việc dẫn đến cuộc xung đột ở Ukraine cho Tổng thống Putin, và Nga mới là bên gây hấn trước.
Khi được phóng viên CNN hỏi về phản ứng của Pháp trước lập trường của những quốc gia “ngầm ủng hộ” Nga đối vấn đề NATO mở rộng về phía đông như Trung Quốc, Tổng thống Pháp đã từ chối lên án Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp cũng bảo vệ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ “quả bom” xung đột ở Ukraine trước khi cuộc chiến diễn ra và cho rằng hành động của ông đã mang đến một số tín hiệu tích cực.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng không quên chỉ trích chính sách năng lượng của Đức khi quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
https://vtc.vn/tong-thong-phap-covid-19-co-the-la-ly-do-dan-toi-xung-dot-ukraine-ar702730.html