- ECOWAS xác nhận Wagner không tham gia vào cuộc đảo chính ở Niger
- Khối Tây Phi họp thượng đỉnh bất thường sau hạn chót tối hậu thư với Niger
- Liên minh châu Âu ngừng hợp tác an ninh, hỗ trợ tài chính cho Niger
Hai tuần sau khi bị quản thúc tại gia bởi một cuộc đảo chính quân sự, ông Mohamed Bazoum - Tổng thống bị lật đổ của Niger, đang cạn kiệt lương thực và trải qua những điều kiện tồi tệ khác…
Sống trong cảnh “tù giam lỏng”
Kể từ khi những binh sĩ nổi loạn vào ngày 26-7, Tổng thống Mohamed Bazoum - nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ của quốc gia Tây Phi này đã bị giam giữ cùng vợ và con trai tại dinh Tổng thống ở Niamey. Theo CNN, trong loạt tin nhắn gửi cho một người bạn, Tổng thống Bazoum cho biết, ông đã “bị tước bỏ mọi liên lạc với con người”, không được cung cấp thức ăn hay thuốc men. Ông Bazoum cho biết đã phải sống trong cảnh không có điện suốt 1 tuần. Nguyên nhân được cho là do Nigeria (nước cung cấp phần lớn điện cho nước láng giềng Niger) đã cắt điện để đối phó với cuộc đảo chính. Đảng chính trị của ông Bazoum đã đưa ra tuyên bố xác nhận gia đình Tổng thống cũng bị cắt nước sinh hoạt. Tất cả những thực phẩm tươi mà gia đình Tổng thống Bazoum được cung cấp đều đã hỏng và họ phải ăn mì ống hoặc cơm khô. Tuy nhiên, ông Bazoum hiện vẫn khỏe mạnh và khẳng định sẽ không bao giờ từ chức.
Dù bị cô lập, Tổng thống bị lật đổ của Niger vẫn tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mặc dù bị từ chối cơ hội nói chuyện với quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong chuyến thăm của bà tới Thủ đô Niamey của Niger hôm 7-8, ông Bazoum đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken 1 ngày sau đó. Tại cuộc điện đàm này, ông Blinken nhấn mạnh sự an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum và gia đình ông là điều tối quan trọng.
Trước tình thế này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của Tổng thống Bazoum cùng gia đình. Người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết, ông Guterres kêu gọi lập tức trả tự do vô điều kiện và phục chức cho Tổng thống Bazoum.
Khủng hoảng kéo dài, người dân thiệt thòi nhất
Tuần qua, chính quyền quân sự mới của Niger đã thực hiện các bước để củng cố quyền lực. Họ đã bổ nhiệm Thủ tướng mới là nhà kinh tế Ali Mahaman Lamine Zeine. Ông Zeine từng là cựu Bộ trưởng Kinh tế và tài chính, sau đó làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Phi. Đêm 9-8, chính quyền quân sự Niger đã công bố “danh sách 21 bộ trưởng” và thúc đẩy chương trình nghị sự của nội các do quân đội đứng đầu.
Ông Aneliese Bernard - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về các vấn đề châu Phi và hiện là giám đốc một tổ chức tư vấn rủi ro nhận định: “Việc thành lập một chính phủ có ý nghĩa quan trọng và báo hiệu, ít nhất là với người dân, rằng họ đã có kế hoạch sẵn sàng”. Tuy nhiên, chính quyền quân sự cũng từ chối tiếp nhận các nhóm hòa giải từ Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) vì “có lý do rõ ràng về an ninh trong bầu không khí đe dọa này”. Trước đó, ECOWAS đã đưa ra tối hậu thư với chính quyền quân sự ở Niger, cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước ngày 6-8. Tại cuộc họp bất thường ngày 10-8, khối ECOWAS thông báo đã đặt lực lượng của mình trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger.
Đúng 2 tuần kể từ cuộc binh biến, nhóm nắm quyền ở Niger còn tuyên bố, họ có thể bảo vệ đất nước tốt hơn nữa khỏi bạo lực thánh chiến như các nhóm liên kết với al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS (tự xưng)… Hầu hết các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng, lời biện minh cho cuộc đảo chính đó không có trọng lượng và việc tiếp quản là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống với Tướng Abdourahmane Tchiani (người đứng đầu lực lượng cận vệ Tổng thống) và ông này mới thực sự là người đang điều hành đất nước. Cuộc đảo chính giáng một đòn mạnh vào nhiều quốc gia ở phương Tây vốn coi Niger là một trong những đối tác dân chủ cuối cùng trong khu vực mà họ có thể hợp tác để đẩy lùi mối đe dọa bạo lực cực đoan. Các đối tác của Niger đã đe dọa cắt hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự nếu nước này không trở lại chế độ hiến pháp.
Trong khi cuộc khủng hoảng kéo dài, 25 triệu người Niger đang phải chịu gánh nặng. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhiều người Niger nói rằng điều họ quan tâm hơn cả là có đủ ăn hay không chứ không phải là cuộc khủng hoảng chính trị.