Tổng thống Frank-Walter Steinmeier xin tha thứ việc phát xít Đức tấn công Ba Lan 80 năm trước trong buổi lễ ngày 1/9 tại Wielun.
"Tôi đứng trước các bạn, những người đã sống sót, con cháu của các nạn nhân, những cư dân già trẻ của Wielun, một cách khiêm nhường và biết ơn. Tôi cúi đầu trước những người thiệt mạng trong trận không kích Wielun, tưởng nhớ các nạn nhân Ba Lan trong thời kỳ phát xít Đức và cầu xin sự tha thứ", Tổng thống Steinmeier phát biểu tại thành phố Wielun trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm ngày Đức tấn công Ba Lan.
Sáng sớm 1/9/1939, không quân phát xít Đức ném bom thành phố Wielun ở miền trung Ba Lan trong suốt nhều giờ, mở đầu Thế chiến II. Máy bay Đức đã phá hủy khoảng 70% nhà cửa trong thành phố, khiến ít nhất 127 dân thường chết và bị thương, dù nơi này không có mục tiêu quân sự. Vụ không kích Wielun được coi là tội ác chiến tranh đầu tiên của phát xít Đức trong Thế chiến II.
Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người, trong đó có gần 6 triệu người Ba Lan.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày Đức tấn công Ba Lan. Ảnh: AP. |
Tại buổi lễ kỷ niệm ngày mở đầu Thế chiến II ở thủ đô Warsaw, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhắc lại lịch sử tàn khốc mà người dân nước này phải chịu đựng trong cuộc chiến với "tác động kéo dài tới tận ngày nay". Duda tưởng nhớ những người đã ngã xuống và cảm ơn những người lính đã chiến đấu, hy sinh cho tự do.
Trong buổi lễ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói dù trả qua quãng thời gian "đau khổ và chết chóc chưa từng thấy" trong cuộc chiến, người Ba Lan không mất hy vọng, không chịu khuất phục và không buông bỏ lịch sử nghìn năm của mình. "Trong nhiều năm sau sự kiện 80 năm trước, họ tỏa sáng trong bóng tối, ánh sáng đó không bị bóng tối nuốt chửng".
Ba Lan gánh chịu tổn thất lớn về vật chất, tài chính, kinh tế và tinh thần trong Thế chiến II, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết. "Chúng ta phải nói, phải nhớ đến những mất mát mà chúng ta gánh chịu. Chúng ta yêu cầu sự thật, yêu cầu bồi thường", Morawiecki nói.
Bồi thường chiến tranh vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Ba Lan. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) sau khi lên nắm quyền năm 2015 tiếp tục đưa ra yêu cầu bồi thường, sau khi Đức thực hiện các khoản thanh toán cuối cùng vào năm 2010.