Trước thông tin Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ là đơn vị tiếp nhận nhưng đã 3 lần đòi tiền của nhà trường, ông Phan Văn Anh cho biết, không có chuyện này xảy ra.
"Không thuộc Tổng Liên đoàn, chắc chắn trường không được cấp đất"
Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được chuyển thành trường đại học công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định số 747 ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
“Sau khi tiếp nhận trường, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển theo xu thế đổi mới giáo dục đại học, phát huy tính tự chủ”.
Trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trường đã được Chính phủ tạo điều kiện áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, được các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, cho vay không tính lãi.
Ông Văn Anh cho rằng, đây là nguồn lực rất quan trọng giúp trường có thể phát triển.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thông tin thêm, từ khi trường được thành lập, trường trực thuộc LĐLĐ TP.HCM thì Chủ tịch Hội đồng trường là Chủ tịch của LĐLĐ TP.HCM. Sau khi về trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thì Chủ tịch Hội đồng trường là Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
“Với tổ chức công đoàn, khi người đứng đầu là Chủ tịch hội đồng trường thì các chỉ đạo, tham gia, đóng góp của tổ chức công đoàn dành cho trường là rất lớn”.
Vị Phó Chủ tịch này cũng khẳng định, ngay từ ban đầu, nếu không thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, chắc chắn trường sẽ không được UBND TP.HCM cấp đất tại 2 cơ sở là ở Phường Bình Thạnh, TP.HCM với diện tích 2.800 m2 và tại Quận 7, TP.HCM với diện tích 90.725m2.
Cùng với đó là các tài sản trên đất - theo nguyên giá là 81 tỉ - tính tại thời điểm năm 2008 là có giá trị rất lớn. Nhờ tác động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ đã cho nhà trường vay gói kích cầu hơn 100 tỉ đồng.
“Rõ ràng, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của tổ chức công đoàn đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nếu Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trường tư thục thì rõ ràng theo luật, trường không thể được nhà nước cấp vốn cũng như cho vay mà không lấy lãi”.
Về cơ chế tự chủ, ông Văn Anh cho biết, Tổng LĐLĐ rất quan tâm tạo điều kiện cho trường. Ngoài việc tự chủ theo Nghị quyết 16 về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp thì Tổng LĐLĐ còn tuân thủ theo các văn bản của Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho trường ĐH Tôn Đức Thắng.
"Đúng là từ năm 2008 đến bây giờ Tổng LĐLĐ mới chỉ kiểm tra tài chính, tài sản của trường đúng 1 lần thôi", ông Văn Anh thông tin.
"Không có chuyện 3 lần đòi tiền"
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, cho đến bây giờ, TLĐ vẫn chưa có một yêu cầu hay văn bản nào buộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải trích 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường.
“Thông tin từ hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 3 lần đòi tiền nhà trường là không đúng”, ông Văn Anh khẳng định.
Theo ông Phan Văn Anh, trước đây khi đoàn kiểm tra của LĐLĐ Việt Nam về trường để kiểm tra quản lý tài sản thì Ban Giám hiệu trường không đồng ý cho đoàn vào. Lý do được Ban Giám hiệu đưa ra là: Khi thực hiện cơ chế tự chủ, trường chỉ có việc báo cáo với Tổng LĐLĐ Việt Nam về kết quả hoạt động của mình cũng như hoạt động tài chính, chứ TLĐ không có thẩm quyền kiểm tra tài chính, tài sản của nhà trường.
Chỉ khi đoàn kiểm tra có những văn bản trích dẫn cụ thể (ví dụ như Luật công đoàn ghi cơ quan cấp trên phải kiểm tra với cấp dưới) , trường mới đồng ý cho đoàn kiểm tra. Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra có kiến nghị, theo quy định số 1684/QĐ-TLĐ năm 2006 của Tổng LĐLĐ Việt Nam rằng
“Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.
Nhưng kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch TLĐ phê chuẩn và triển khai vì cho rằng, ngoài quy định của TLĐ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
“Do đó, có thể khẳng định, đến giờ phút này, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng một đồng nào”, ông Văn Anh khẳng định.
Khi VietNamNet hỏi lại điều này, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 3 lần "đòi tiền" nhà trường. Lần thứ nhất vào tháng 10/2017 nêu ở dự thảo kết luận kiểm tra tài chính nhà trường (trang 21-22). Lần thứ 2, sau khi trường phản hồi thì ngày 29/11/2017 TLĐ có văn bản 1933 (trang 7); Lần thứ 3 là cuộc họp đồng trường ngày 23/4/2019 TLĐ có gửi Hội đồng trường ý kiến dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động tại (trang 5). Trong các lần này, TLĐ đều đề cập tới việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Đại học Tôn Đức Thắng phản đối cơ quan chủ quản
Trường cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ đại học, trái với các quy định hiện ... |
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: 'Phát hiện truyền đơn kích động công nhân biểu tình'
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tổ công tác đang đến từng địa phương thuyết phục ... |
Nâng bậc lương cho giáo viên: Đừng để nhà giáo chờ mãi một quan điểm hết sức nhân văn
Xác định mức độ cần thiết của việc quan tâm tới chính sách lương cho giáo viên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để ... |
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Công Thương chúc mừng năm mới PVN
Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, ngày 21/2 tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Bộ Công Thương ... |