Tổng giám đốc Việt Á chi 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho những ai?

Phan Quốc Việt bị cáo buộc nâng khống giá sản phẩm kit test, đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho 6 cựu quan chức và 2 cá nhân khác.

Việt Á hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra đề nghị truy tố 38 bị can trong đại án Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á) phạm hai tội danh gồm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Phan Quốc Việt là đại diện theo pháp luật của Việt Á và là cổ đông sở hữu 94.500 cổ phần (chiếm 47,25% vốn điều lệ). Các cổ đông khác gồm Đồng Sỹ Huy, Vũ Đình Hiệp và Hồ Thị Thanh Thủy cùng giữ chức vụ phó tổng giám đốc.

img-bgt-2021-quoc-viet-1692408721-width1280height720
Phan Quốc Việt bị bắt giữa tháng 12/2021.

Theo điều tra, Công ty Việt Á được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 28/2/2007 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty để sử dụng làm quân xanh khi đấu thầu. Đáng chú ý, ông ta lập Cửa hàng Âu Lạc để chuyển tiền % ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế.

Năm 2020, sau khi Công ty Việt Á sản xuất rồi bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống giá để hưởng lợi. Kết quả điều tra cho thấy giá sản xuất kit test chỉ tối đa 143.461 đồng/test (đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí), nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, định giá 470.000 đồng/test dù không có căn cứ.

Theo Bộ Công an, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá sản phẩm, đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho 6 cựu quan chức và 2 cá nhân khác.

Trong các năm 2020 và 2021, sau khi chuẩn bị hóa chất, máy móc và thiết bị, Phan Quốc Việt và nhóm bị can tại Việt Á đã sản xuất trên 8,7 triệu kit test rồi tiêu thụ khoảng 8,3 triệu sản phẩm theo đơn giá 470.000 đồng/test. Quá trình giao dịch, Công ty Việt Á được đối tác thanh toán hơn 2.250 tỷ đồng cho gần 6 triệu sản phẩm.

Cơ quan điều tra xác định lợi nhuận thực tế mà Việt Á được hưởng chỉ ở mức 5% (tương ứng chi phí sản xuất mỗi kit test khoảng 143.000 đồng. Song các bị can bán ra 470.000 đồng/sản phẩm. Do đó, CQĐT kết luận số tiền mà Việt Á hưởng lợi bất chính là 1.235 tỷ đồng, đây là mức chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất.

Chi hơn 80 tỷ đồng để hối lộ nhiều cá nhân

Với mục đích để Việt Á được thuận lợi tiêu thụ test xét nghiệm, Phan Quốc Việt đã trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của công ty thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian hoặc cơ sở y tế để giao test xét nghiệm và thiết bị, vật tư y tế khác cho họ sử dụng trước.

Sau đó, các bị can thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu để đối tác chuyển tiền cho Công ty Việt Á hoặc chuyển qua công ty trung gian. Trong đó, báo giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra là giá thấp nhất để các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng đưa vào hồ sơ dự toán, hồ sơ đấu thầu.

img-bgt-2021-kit-1692408824-width1280height720
Mỗi bộ kit xét nghiệm Việt Á đều được nâng khống giá.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt và đồng phạm, sau khi Công ty Việt Á/công ty trung gian được các đơn vị, cơ sở y tế thanh toán tiền theo hợp đồng, Việt chỉ đạo nhân viên chi tiền % ngoài hợp đồng cho công ty trung gian và lãnh đạo, cán bộ cơ sở y tế.

Để che giấu hành vi, Việt chỉ đạo chuyển tiền từ tài khoản Cửa hàng Âu Lạc (do Hồ Thị Thanh Thảo, em vợ của Việt quản lý, sử dụng) đến tài khoản của 7 nhân viên phụ trách vùng. Từ đây, các đối tượng này chuyển tiếp hoặc rút tiền mặt đưa cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế.

Kết luận điều tra nêu rõ Phan Quốc Việt đã chi hối lộ tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho các bị can: Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD); Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) 200.000 USD; Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng KH&CN) 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN) 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) 2,25 triệu USD.

Việt cũng bị cáo buộc đưa tiền hối lộ cho các cá nhân: Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Nguyễn Thanh Long) 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế Bộ Y tế) 300.000 USD); Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) 100.000 USD.

Hoàng Lam / Báo Giao thông