Sáng ngày 17/07/2024, tại trụ sở của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về tình hình triển khai các công việc, dự án năng lượng.
Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương. Về phía Petrovietnam có Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn; Thành viên HĐTV Trần Bình Minh; Phó Tổng Giám đốc Phan Tử Giang; đại diện các ban chuyên môn Tập đoàn. Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam Phạm Văn Phong đã tham dự cuộc họp cùng lãnh đạo các đơn vị Vietsovpetro, PVEP, PV Power, PTSC.
Cuộc họp làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Tại buổi làm việc, Petrovietnam đã trình bày báo cáo tổng quan hoạt động của Petrovietnam; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của Tập đoàn trong các lĩnh vực; một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn của Tập đoàn.Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong đã báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Lãnh đạo Tập đoàn về những thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024; thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương về đảm bảo cung cấp khí cho sản xuất điện, tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Giám đốc PV GAS cũng đã có những báo cáo về tình hình khó khăn đối với nguồn khí nội địa hiện nay, bao gồm: việc huy động nguồn khí cho sản xuất điện không ổn định và ở mức rất thấp (khoảng 8,6% cho 06 tháng đầu năm 2024 so với 11,5% của 6 tháng cùng kỳ năm 2023), trong khi sản lượng điện than ở mức cao có ảnh hưởng và tác động khá lớn đến thu ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về Net Zero vào năm 2050; một số cước phí vận chuyển khí qua các hạ tầng khí chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn tới khó khăn cho PVGAS trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán khí cho các hộ tiêu thụ cũng như thu hồi chi phí đã đầu tư các cơ sở hạ tầng này.Đối với nguồn khí LNG, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG còn rất thiếu và chậm so với mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Theo quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030 cả nước có 13 dự án điện LNG mới tổng công suất 22.524 MW chiếm 14,9% tổng nguồn điện cả nước, tiêu thụ khoảng 22,5 tỷ m3 khí/năm, tương đương 16,1 triệu tấn LNG/năm; các dự án này nằm rải rác khắp cả nước, chưa có quy hoạch kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện làm cho nguồn lực không được tối ưu, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế, chính sách về việc sử dụng LNG cho các nhà máy điện dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo sự sẵn sàng về nguồn cung khí LNG đáp ứng nhu cầu huy động của các nhà máy điện (chưa có hợp đồng mua LNG dài hạn giữa PVGAS và các nhà máy điện).
Tổng Giám đốc PV GAS kiến nghị Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo EVN/A0 tăng sản lượng huy động khí cho phát điện năm 2024 theo khả năng khai thác của các mỏ khí tự nhiên, phù hợp với cam kết của Petrovietnam/PV GAS với các chủ mỏ, đặc biệt trong những thời điểm nhu cầu hệ thống điện không cao (giờ thấp điểm, mùa mưa…) và giảm dần huy động điện than xuống mức cùng kỳ năm 2023, đến năm 2030 ở mức 20% trong tổng sản lượng điện theo Quy hoạch điện VIII và từng bước giảm về 0 vào năm 2050 theo cam kết Net Zero của Chính phủ. Ngoài ra, PVGAS cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và sớm ban hành các văn bản liên quan đến định giá dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống cho sản xuất điện theo quy định của Luật giá, đồng thời Bộ có chỉ đạo cụ thể để các bên liên quan phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến các nhà máy điện BOT.
Đối với các dự án LNG, Tổng Giám đốc PV GAS đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng hạ tầng nhập khẩu LNG theo hướng đầu tư tập trung, nhằm tối ưu hóa chi phí đầu tư và giảm giá thành phát điện cho các nhà máy điện sử dụng LNG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các cơ hội đầu tư/dự án mới trong lĩnh vực này
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã đánh giá cao các kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam nói chung và PV GAS nói riêng, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và đóng góp cho ngân sách quốc gia. Đối với các kiến nghị của PV GAS, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá đây là những vấn đề rất mấu chốt mà Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu để tìm các giải pháp tháo gỡ, từ đó đề xuất với các cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Thứ trưởng cũng cam kết lãnh đạo Bộ, các Vụ, Cục thuộc Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam, các đơn vị thành viên để thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại, mang lại hiệu quả thiết thực và tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên thúc đẩy việc xử lý một số cơ chế, chính sách cần phải triển khai ngay, nắm bắt cơ hội đầu tư trong thời gian tới.