Đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã đạt được những thành tựu to lớn và đáng tự hào, đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Đóng góp ngân sách 70.000 tỉ đồng
Trong suốt quá trình phát triển, PV GAS đã nỗ lực sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, liên tục, hiệu quả, xây dựng ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển hoàn chỉnh ở tất cả các khâu thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tồn trữ, chế biến, kinh doanh khí và sản phẩm khí. Hằng năm, PV GAS sản xuất và cung cấp khoảng 10 tỉ m3 khí, trên 1 triệu tấn LPG, 250 nghìn tấn condensate, đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất trên 30% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm và chiếm hơn 60% thị trường LPG trong nước.
Toàn cảnh Nhà máy Xử lý khí Cà Mau
PV GAS đã trở thành một trong những doanh nghiệp thành viên chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Doanh thu của PV GAS hiện chiếm khoảng 20% doanh thu hợp nhất toàn PVN và bằng khoảng 2% GDP cả nước, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 4.000 tỉ đồng/năm.
Từ khi dòng khí đầu tiên từ bể Cửu Long được đưa vào bờ (năm 1995) đến nay, PV GAS đã cung cấp cho thị trường 135 tỉ m3 khí, 15 triệu tấn LPG, 1,8 triệu tấn condensate, lợi nhuận 149 nghìn tỉ đồng, đóng góp khoảng 70.000 tỉ đồng vào NSNN.
Đặc biệt, việc cổ phần hóa
PV GAS thành công làm lợi cho Nhà nước hơn 11.000 tỉ đồng (thặng dư từ bán cổ phần 1.200 tỉ đồng, giá trị tài sản tăng thêm 10.000 tỉ đồng do đánh giá lại). So với trước cổ phần hóa, kết quả sản xuất kinh doanh của PV GAS tăng cao (doanh thu gấp 2,5 lần, lợi nhuận gấp 3,7 lần, nộp NSNN gấp 1,9 lần, tổng tài sản tăng 2,8 lần); cổ tức mỗi năm tương đương 30-40% vốn điều lệ, trong đó, riêng năm 2019, tỷ lệ chia cổ tức lên đến 53% vốn điều lệ.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh, mở rộng hoạt động ra khắp các vùng miền trong cả nước, công tác an sinh xã hội (ASXH) cũng luôn được PV GAS chú trọng, tạo sự liên kết thân ái giữa những “người đi tìm lửa” của ngành Dầu khí với những cảnh đời khó khăn, những địa phương còn gặp nhiều thử thách. PV GAS cùng với các doanh nghiệp thành viên, trực thuộc đã triển khai hoạt động ASXH phong phú, thiết thực, trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi năm, PV GAS thực hiện công tác ASXH tới gần 100 tỉ đồng, tập trung tài trợ cho chương trình giáo dục đào tạo, y tế, xây dựng nhà đại đoàn kết, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ nhân đạo.
Năm 2015, PV GAS vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. PV GAS cũng nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý khác như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. 6 năm liên tiếp PV GAS được Forbes trao Chứng nhận Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam; được Nikkei Asian Review xếp vào danh sách 300 doanh nghiệp năng động nhất châu Á; đứng trong Top đầu các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam; đứng trong Top 100 doanh nghiệp có chỉ số quản trị tài chính tốt nhất; thuộc Top đầu các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao…
Ứng phó với mất cân đối cung - cầu khí
Để thực hiện chiến lược phát triển PV GAS đồng bộ, bền vững, có sức cạnh tranh cao với hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp khí an toàn, hiện đại trên phạm vi toàn quốc, PVN và PV GAS hiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư với mục tiêu vận hành và kinh doanh an toàn, hiệu quả, tối ưu các hệ thống khí trên toàn quốc; xây dựng đường ống kết nối các khu vực, từng bước hình thành đường ống dẫn khí quốc gia và khu vực ASEAN; tăng cường chế biến khí và sản phẩm khí để đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm; triển khai đầu tư và nhập khẩu LNG nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong bối cảnh nguồn cung khí thiên nhiên ngày càng giảm, các hộ tiêu thụ công nghiệp ngày càng tăng, nhu cầu về khí và các sản phẩm khí của đất nước cũng ngày càng tăng lên, khả năng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ trên bờ có nguy cơ bị mất cân đối trong tương lai gần bởi khả năng sản xuất nhỏ hơn so với nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, PVN và PV GAS đang tập trung phát triển các nguồn khí độc lập bao gồm LNG và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, do các quy định liên quan đến công tác đầu tư xây dựng hiện còn khá phức tạp, việc triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Ở khu vực Tây Nam Bộ, theo dự kiến, nguồn cung khí sẽ không đáp ứng nhu cầu vào cuối năm 2019, sẽ gây khó khăn rất lớn cho các nhà máy Điện Cà Mau, Đạm Cà Mau và GPP Cà Mau, qua đó ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Đặc biệt Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 là nguồn cung cấp điện chính cho khu vực Tây Nam Bộ.
Về vấn đề này, Chính phủ đã họp và đồng ý chủ trương mua khí của Petronas (Malaysia) qua đường ống dẫn khí hiện hữu. Sau một thời gian làm việc với Petronas, PVN và PV GAS cũng đã ký được thỏa thuận khung nhập khí từ Petronas. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế phân bổ cũng như điều tiết nguồn khí giá cao cho các hộ tiêu thụ (bởi khí nhập khẩu giá sẽ cao hơn so với nguồn khí giá rẻ trước đây). Vướng mắc này cần sớm được giải quyết để PV GAS có thể ký kết được hợp đồng mua bán khí với các hộ tiêu thụ và tiến đến nhập khí theo đúng quy định, bảo đảm có nguồn khí bổ sung ngay từ quý IV/2019, cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất điện, đạm phục vụ cho đời sống, sản xuất của bà con vùng Tây Nam Bộ.
Đối với khu vực Đông Nam Bộ, nguồn khí dự kiến cũng thiếu hụt vào năm 2023. Để bổ sung nguồn khí, PV GAS đang tập trung nguồn lực để hoàn thành Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 2), đưa khí bổ sung về bờ và triển khai Dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải, nhằm nhập khẩu khí LNG cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí thấp áp, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4...
Bên cạnh đó, PV GAS tiếp tục nỗ lực vận hành an toàn, hiệu quả các công trình khí; quản lý, khai thác hiệu quả các hợp đồng mua bán, vận chuyển khí; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường tiêu thụ khí; chuẩn bị các phương án sẵn sàng với thị trường khí giá cao; hoàn thiện mô hình, chiến lược kinh doanh LNG; tăng cường công tác nghiên cứu, tìm kiếm, phát triển các nguồn khí mới trong và ngoài nước, tham gia đầu tư thượng nguồn khi có điều kiện thuận lợi… PV GAS cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng LPG có giá cạnh tranh để gia tăng thị phần nội địa và xuất khẩu, triển khai tích cực Chiến lược phát triển bán lẻ LPG dân dụng giai đoạn 2016-2020, giữ vững vai trò là doanh nghiệp bán buôn LPG số 1 tại Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, việc đưa các dự án mới vào vận hành đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm sự phát triển vững chắc của PV GAS; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa ngành công nghiệp khí Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc, đồng bộ, hiện đại.
Nhận thức được điều đó, PV GAS đang tập trung triển khai quyết liệt, kiểm soát tiến độ, chất lượng, chi phí các dự án đầu tư xây dựng và mong muốn các vướng mắc nhanh chóng được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ để sớm đưa các dự án mới vào vận hành, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng.
Từ khi dòng khí đầu tiên từ bể Cửu Long được đưa vào bờ (năm 1995) đến nay, PV GAS đã cung cấp cho thị trường 135 tỉ m3 khí, 15 triệu tấn LPG, 1,8 triệu tấn condensate, lợi nhuận 149 nghìn tỉ đồng, đóng góp khoảng 70.000 tỉ đồng vào NSNN.
Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau: Diện mạo kinh tế mới vùng cực Nam
Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư đã thúc đẩy kinh tế ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng tốc phát triển ngành công nghiệp khí
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp khí Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, cùng với sự tăng tốc phát triển ... |
KCM: Giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Năm 2018 tiếp tục trở thành một dấu ấn thành công mới của Công ty Khí Cà Mau (KCM), khi các chỉ tiêu sản xuất ... |
PV GAS - 28 năm nỗ lực phát triển ngành công nghiệp khí
Đón mừng tuổi đời mới thứ 28 vào đúng mùa thu nhiều kỷ niệm (20/9/1990 – 20/9/2018), Tổng Công ty Khí Việt Nam tiếp tục ... |