Tổng công ty Đường sắt Việt Nam muốn tái cơ cấu

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn để giảm chi phí vận tải.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho hay doanh nghiệp đã trình cấp có thẩm quyền đề án tái cơ cấu. Hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn sẽ hợp nhất thành một công ty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt. Phần còn lại sẽ chuyên về vận tải hành khách và có lộ trình thoái tỷ lệ vốn góp nhà nước.

Theo ông Minh, thời gian qua, hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều kinh doanh hai mảng vận tải hành khách và hàng hóa, cùng một sản phẩm trên một thị trường nên xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, tăng chi phí bộ máy. Ví dụ, Công ty CP Vận tải Sài Gòn bố trí người làm dịch vụ trên 50 nhà ga, Công ty CP Vận tải Hà Nội cũng tương tự khiến tăng chi phí, lãng phí nhân sự. Khi sáp nhập, chỉ còn một đơn vị kinh doanh hàng hóa và một đơn vị vận tải khách nên một đơn vị bố trí nhân sự trên 50 ga đó.

Ngoài ra, đề án tái cơ cấu cũng sắp xếp lại 5 xí nghiệp đầu máy tại các khu vực, hợp nhất thành 2 đơn vị để giảm chi phí vật tư, nhân công sửa chữa, bộ máy hành chính. Lựa chọn giải pháp hợp nhất là tối ưu để không phải bán đấu giá tài sản, không phải ký lại hợp đồng với người lao động.

Cũng theo lãnh đạo VNR, năm 2020, Covid-19 và bão lũ miền Trung đã làm sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng toàn VNR chỉ đạt 6.828 tỷ đồng, bằng 79% năm 2019. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 1.713 tỷ đồng, bằng 66% năm 2019. Dự kiến công ty mẹ lỗ hơn 1.320 tỷ đồng.

Thời gian tới nếu tiếp tục lỗ nặng, trong khi không có cơ chế tháo gỡ và tái cơ cấu thì đến hết năm 2022 VNR sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu 3.250 tỷ đồng. "Thua lỗ khiến chúng tôi phải siết chặt kiểm soát chi phí, nếu không sẽ mất hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tiền lương công nhân sẽ giảm", ông Minh chia sẻ.

5235 2

Hành khách đi tàu vắng vẻ trong thời điểm Covid tháng 4/2020. Ảnh: Giang Huy.

Trước đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trên 40.000 lao động, sau khi cổ phần hóa năm 2015 con số giảm còn 26.310. Trong đó, Công ty CP Vận tải Hà Nội có 4.000, Công ty CP Vận tải Sài Gòn có hơn 2.000. Dự kiến sau khi tái cơ cấu, doanh nghiệp giảm tiếp 300-400 người. Hiện nay lương trung bình của người lao động ngành đường sắt là 8,2-8,5 triệu đồng/tháng.

"Đề án tái cơ cấu đã được đồng tình cao trong Ban tổng giám đốc. Một bộ phận người lao động lo lắng mất việc song tỷ lệ không lớn. Số lao động dôi dư sẽ được chúng tôi giải quyết theo chế độ", ông Minh nói, cho hay đề án tái cơ cấu lần này đã hoàn thành từ năm 2017, đến khi chuẩn bị trình Chính phủ thì VNR lại chuyển đơn vị quản lý là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên phải soạn thảo và trình lại.

Đề cập bài học sau những lần sáp nhập, tái cơ cấu trước đây, ông Vũ Anh Minh cho rằng, đây là việc làm thường xuyên của doanh nghiệp, theo thời điểm và theo thị trường. Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp đã tái cơ cấu với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại quy mô, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Việc cổ phần hóa đã thay đổi bản chất sở hữu, mô hình công ty cổ phần có áp lực cổ đông nên các đơn vị cạnh tranh nội bộ không lành mạnh. Sau khi hoạt động có những vướng mắc phát sinh, VNR tiếp tục cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị có cùng ngành nghề để giảm cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, thực hiện tái cơ cấu, ngành đường sắt phải sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thích ứng kinh doanh, hoạt động có tính chất thị trường, cạnh tranh được. Khâu quản trị doanh nghiệp từ trên xuống dưới phải đổi mới, chú ý cả yếu tố con người.

"Phải rà lại chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận sao cho gọn, không chồng chéo và phải tiếp cận thị trường thông qua cơ chế khoán hoặc cơ chế khác. Tái cơ cấu phải làm sao giải phóng nhiều nhất cho vận tải, phải có lãi thì mới thu hút được vốn xã hội hóa", Thứ trưởng Đông nói.

Những lần sáp nhập của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Năm 1955 thành lập Tổng cục Đường sắt quản lý hạ tầng, vận tải.

Năm 1989 đổi tên thành Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, chức năng quản lý hạ tầng, vận tải. 3 xí nghiệp liên hợp trực thuộc nằm 3 miền Bắc - Trung -Nam, mỗi xí nghiệp quản lý cả vận tải, hạ tầng, thông tin tín hiệu theo khu vực.

Năm 2003, chuyển đổi thành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị trực thuộc gồm hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn; các công ty vận tải khai thác ga; 15 xí nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt và 5 xí nghiệp thông tin tín hiệu đường sắt, quản lý hạ tầng hạch toán phụ thuộc.

Năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, mô hình công ty mẹ - con. Tổng công ty là công ty mẹ, các công ty con gồm một công ty vận tải hàng hóa và hai công ty vận tải hàng khách, 20 công ty con làm công tác bảo trì đường sắt, kinh phí nhà nước cấp.

Năm 2014 chuyển ba công ty vận tải thành hai công ty kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, tiến hành cổ phần hóa vào năm 2015. 20 công ty quản lý bảo trì hạ tầng cũng được cổ phần hóa, kinh phí bảo trì đường sắt vẫn được nhà nước cấp.

Đoàn Loan

Đường sắt Việt Nam công bố đường dây nóng dịp Tết Tân Sửu Đường sắt Việt Nam công bố đường dây nóng dịp Tết Tân Sửu
“Đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu” “Đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu”
/ vnexpress.net