Tôi không lười đi bộ, chỉ không muốn vào công sở với cơ thể bốc mùi

Đi bộ trong thời tiết nóng ẩm, không khí ô nhiễm như ở Việt Nam thì khi đến chỗ làm, cơ thể sẽ bốc mùi vì mồ hôi nhớp nháp, quần áo, đầu tóc bám đầy bụi và khói xe.

Đó là ý kiến của độc giả Mai Linh khi phản hồi loạt bài về sự lười đi bộ của người Việt.

Mai Linh viết: “Tôi không lười đi bộ, chỉ không muốn đến công sở với cơ thể bốc mùi. Nhà tôi không xa công ty, công việc cũng chỉ bàn giấy, nhưng tôi nhất định phải đi xe máy, chứ đi bộ trong cái thời tiết vừa nóng vừa ẩm, không khí bụi mù, khói xe nồng nặc như ở Việt Nam thì khi đến chỗ làm mồ hôi nhớp nháp, quần áo, đầu tóc ám đủ loại mùi kinh khủng thì ai mà chịu được!

Đừng có bảo là hơi một tí lại so sánh với Tây, nhưng rõ ràng khác vẫn là khác. Ở bên Tây đi bộ hàng tiếng đồng hồ người vẫn thơm tho sạch sẽ. Còn Việt Nam, cả năm chỉ có rất ít ngày thời tiết mát mẻ và không mưa, phù hợp với đi bộ thôi”.

Cùng quan điểm, Nguyễn viết: “Tôi cũng thích đi bộ, ra chợ hay quán gần nhà đều đi bộ. Cơ quan gần nhà ̣(dưới 1 km) nhưng không thể đi bộ. Vì thời tiết nóng, đi bộ về mồ hôi mồ kê phải tắm, không thể tới cơ quan với cơ thể bốc mùi được".

Tôi không lười đi bộ, chỉ không muốn vào công sở với cơ thể bốc mùi - 1
Nhiều độc giả cho rằng khí hậu nóng, không khí nhiều khói bụi ở Việt Nam không phù hợp để đi bộ. (Ảnh: Vovlive)

Nhiều bạn đọc khác cũng khẳng định, sợ cảnh mồ hôi nhớp nháp và mùi cơ thể là một trong các lý do từ chối đi bộ đến công sở chứ không phải lười vận động.

Dai: Mùa hè các bạn đi bộ đi làm tầm vài trăm mét xem sao? Mồ hôi nhễ nhại, rồi đi vào khu vực điều hòa lạnh, sức khỏe dễ gặp vấn đề và cũng bất tiện. Đi bộ hàng ngày trong điều kiện khí hậu không quá nóng thì phù hợp.

Nguyễn Nam: Các nước châu Âu hay Nhật đa phần là có thời tiết khô, lạnh. Ở Việt Nam đi bộ 100 m là mồ hôi toá ra, đến nơi làm việc hôi như cú, rồi sao mà làm!

Nhiều thứ cản trở người dân đi bộ

Không đồng tình với nhận xét “người Việt Nam lười đi bộ”, rất nhiều độc giả nêu ra hàng loạt trở ngại, như phương tiện công cộng chưa đủ tốt, điều kiện thiên nhiên, môi trường không phù hợp, đường xấu, không có vỉa hè hoặc vỉa vè bị chiếm dụng….

“Nói cụ thể giúp tôi cách giải quyết được tình huống thực tế này thì tôi đi xe buýt ngay: Trời mưa đường ngập, hè nắng 40 độ, vỉa hè đỗ đầy xe, xe buýt thiếu và bẩn, mất trộm, đường tắc, làm sao kịp đưa con đi học và đón con về, đi chợ nấu cơm rồi lại đưa con đi học”, Vân Linh bình luận.

“Nếu phương tiện công cộng bảo đảm đúng giờ, không ách tắc thì mình nghĩ người Việt sẽ ủng hộ. Nhưng than ôi, xe buýt luôn trễ giờ, lại hay mất cắp vặt nên người dân không muốn đi xe buýt. Hơn nữa trong nội đô chỉ mỗi xe buýt, không có các phương tiện thay thế.

Ở các nước phát triển (như Đức) trong nội đô có xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm, cứ 8 phút có một chuyến các loại; bến xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm khá gần nhau nên người dân có thể sử dụng các phương tiện thay thế. Tôi đã từng sống bên đó, người ta làm rất bài bản. Ai mua vé xe buýt mà bị lỡ thì họ lên bất cứ phương tiện nào đúng tuyến mà không phải mất tiền mua lại vé, rất thuận tiện. Nếu Việt Nam làm tốt như vậy, tôi tin rằng dân ta sẽ sử dụng phương tiện vận tải công cộng, còn không đừng trách họ”, độc giả Tình Đinh Thanh phân tích.

Anh Nguyen Robin kể lại trải nghiệm của bản thân để nói rằng dù bản thân thích đi bộ, anh vẫn không thể đi làm bằng cách này: “Mình là người thích đi bộ đây, cũng thường xuyên đi bộ để tập thể dục hay để đi công chuyện gần gần nhà. Nhưng đi bộ để ra bến xe buýt thì khó quá. Mình đã cố gắng đi 20 ngày nhưng thất bại. Thứ nhất là vỉa hè bị chiếm hết, phải đi xuống lòng đường. Trên vỉa hè chỗ nào trống trống mình đi lên thì người ở đó tính đâu mình đi vào nhà họ để mua gì đó hay xài dịch vụ gì của họ. Còn chỗ nào trống không có nhà thì rất dơ, nước đọng không đi được.

Vấn đề thứ 2 là đi ra trạm xe buýt 2 km, rồi từ trạm xe buýt tới công ty lượt đi 500 m nhưng lượt về chắc khoảng 3 km, không phải lúc nào mình cũng có thời gian đi quãng đường xa như vậy. Vấn đề thứ 3 là nước ngập trên con đường mình ra trạm xe buýt, có hôm lên tới đầu gối. Còn vấn đề xe buýt chạy sao, dịch vụ trên xe, tài xế, tiếp viên... chắc ai cũng biết rồi”.

Minh Khôi: Không thể nói dân ta lười đi bộ, mà phải nói là không có chỗ cho người đi bộ. Nếu dân ta lười thì sao sáng sớm các công viên đều đông kín người? Cho dù trong lúc giãn cách, họ vẫn cố gắng đi tập thể dục. Tôi cầu mong có cái vỉa hè để an toàn bước đi.

Hieudt: Đừng so sánh ý thức người Việt Nam với người nước ngoài trong khi hạ tầng chưa đáp ứng đủ. Người nước ngoài sống lâu ở Việt Nam lâu cũng lao xe máy lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, ít đi bộ. Ngược lại người Việt Nam sang nước ngoài vẫn tuân thủ luật giao thông, đi bộ nhiều…

Le Hung: Tôi là người thích tập thể thao. Mỗi sáng tôi đi bộ 5km trong công viên. Nhưng đi bộ trong công viên với đi bộ trên đường đô thị ở Việt Nam là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Đi bộ trên đường đô thị vừa nguy hiểm khi phải luồn lách trong dòng xe cộ dưới lòng đường (vì lề đường bị chiếm dụng) vừa có hại cho sức khỏe vì hít phải khói bụi. Khi nào môi trường không khí trong lành, lề đường rộng rãi thì tôi sẵn sàng đi bộ.

Tôi không lười đi bộ, chỉ không muốn vào công sở với cơ thể bốc mùi - 2
Vỉa hè ở con phố này vốn đã bé lại còn bị chiếm dụng, người đi bộ buộc phải bước xuống lòng đường. (Ảnh: X.M.)

Thao Duong: Tôi đi bộ và xe đạp nhưng ở quê chứ không phải Sai Gòn. Sài Gòn thì không dám đi bộ luôn vì quá nguy hiểm, lại không còn vỉa hè nên tôi chỉ đi bộ tập thể dục khu công viên thôi.

Lê Minh: Suốt thời gian dài, sự phát triển đô thị của Việt Nam đã được "uốn" theo hướng thuận tiện nhất cho xe máy và mọi hoạt động sinh hoạt liên quan đến xe máy, bao gồm việc bỏ bê vỉa hè và tiện ích cho người đi bộ. Thiết kế đường không tốt, nhiều nơi không có vỉa hè cho người đi bộ, có thì cũng bị hàng quán lấn chiếm, đường thì khói bụi, thêm nắng nóng oi bức, đầy rác bẩn. Cũng là khí hậu xích đạo, thậm chí nóng hơn nhưng Singapore lại có giao thông công cộng quá tốt, vỉa hè to, rộng, thoáng, sạch, an toàn, nhiều cây cối, nhiều bóng mát, không có xe máy, đặc biệt là không có rác bẩn mọi nơi như Việt Nam. Họ thiết kế cây xanh, đường đi bộ, đường hầm, đường dưới lòng đất, đường nối các mall đến các trạm MRT quá tốt. Chúng ta không ưu tiên đầu tư xây giao thông công cộng, mấy chục năm không làm nổi cái metro, quy hoạch đường sá, vỉa hè kém...., tạo thói quen sinh hoạt dựa trên xe máy cho dân suốt mấy chục năm rồi; giờ đừng cho rằng dân không đi bộ vì lười.

‘Lười đi bộ, đừng đổ thừa hoàn cảnh’

Đó là phản biện của nhiều độc giả đối với các ý kiến cho rằng điều kiện ở Việt Nam không phù hợp để đi bộ.

“Ở Nhật mùa hè cũng nóng trên dưới 30-40 độ, họ vẫn đi từ nhà đến nơi làm việc và trải qua mấy tuyến tàu mới tới công sở và mới về được tới nhà. Người dân Việt Nam mình lại không làm được như vậy. Đừng đổ lỗi cho khách quan mà kìm hãm sự phát triển của đất nước”, độc giả Phạm Quang Huy viết.

Độc giả tên Long lật lại vấn đề: “Tôi thấy nhiều đoạn đường cực đẹp, thoáng, vỉa hè sạch rộng thênh thang cũng có ai đi bộ đâu? Ngụy biện mà thôi”.

“Dân mình nhiều người lười, đấy là điều rõ ràng. Ý thức cộng đồng, văn hóa giao thông còn kém. Cơ sở hạ tầng chỉ một phần thôi, đừng luôn đổ lỗi cho đường sá. Ngay cả việc đi bộ, có cả cầu vượt hay hầm đi bộ mà nhiều người còn không thèm đi ấy chứ, sang đường vô tội vạ” - Minh Minh viết.

Các độc giả khác chia sẻ thói quen đi bộ của mình bất chấp tình trạng đường sá chưa tốt:

Duc Nguyen: Ngày nào mình cũng đi 3km với tình trạng con đường như các bạn miêu tả nhưng mình không than thở và đổ thừa. Với mình, đi bộ là thú vị.

Hai Le Van: Tôi năm nay 59 tuổi, sống ở Hà Nội, duy trì đi bộ thường xuyên hàng ngày, cũng có ngày bận quá không đi được... Tính đến sáng 10/11, tổng chiều dài quãng đường đi bộ trong năm 2021 của tôi là 6.075,3km. Tôi có thể đi bộ đến tốc độ 135-140 bước/phút. Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đi bộ ở bất kể tốc độ nào cũng tốt cho cơ thể. Nếu mọi người thực sự cần đi bộ hay tập thể dục - mà tôi tin là hầu hết chúng ta đều có nhu cầu này thì hãy thực hiện, không đổ thừa cho hoàn cảnh làm gì.

Favi: Nếu cần di chuyển 1-2 km, tôi thường đi bộ cho khoẻ. Thậm chí quãng đường dài hơn nếu có thời gian tôi cũng đi bộ. Đúng là vỉa hè có hơi chật, lại hàng quán, xe cộ, nhưng tôi thiết nghĩ đó không là lý do chủ yếu, mà rất nhiều người có thói quen một đoạn cũng lên xe.

Vô danh: Bản thân tôi rất thích đi bộ, đi đâu khoảng 2 km đổ lại là tôi lựa chọn đi bộ. Vào nhà cao tầng, cứ từ tầng 5 đổ xuống là tôi lựa chọn đi thang bộ, mặc dù có thang máy nhưng tôi không đi

PV

Lười đi bộ, người Việt ngụy biện, tìm đủ lý do thoái thác phương tiện công cộng Lười đi bộ, người Việt ngụy biện, tìm đủ lý do thoái thác phương tiện công cộng
Hết tiền, 4 người đi bộ hàng trăm km về Lai Châu được người Quảng Bình giúp đỡ Hết tiền, 4 người đi bộ hàng trăm km về Lai Châu được người Quảng Bình giúp đỡ

/ vtc.vn