- Tình hình lương thực tại Dải Gaza đang lún sâu vào thảm họa
- Cơ sở LHQ ở Dải Gaza bị xe tăng tấn công, 84 người thương vong
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã đưa ra phán quyết về các biện pháp khẩn cấp mà Nam Phi yêu cầu trong vụ án về diệt chủng đối với Israel trong cuộc chiến ở Dải Gaza.
ICJ ngày 26/1 không thành công trong việc ra lệnh ngừng bắn ở Gaza nhưng yêu cầu Israel thực hiện các biện pháp ngăn chặn và trừng phạt hành vi kích động diệt chủng trực tiếp ở khu vực này.
Chủ tịch ICJ Joan Donoghue lưu ý rằng tòa án đã tìm thấy đủ bằng chứng về vụ án diệt chủng và cho biết sẽ không từ bỏ.
Israel cũng đã được yêu cầu cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza và báo cáo lại tòa án trong vòng một tháng về việc họ tuân thủ các lệnh của tòa án như thế nào.
Bộ Ngoại giao của Palestine hoan nghênh phán quyết của ICJ, nhấn mạnh đây là một “lời nhắc nhở quan trọng” rằng không có quốc gia nào đứng trên luật pháp. Ngoại trưởng Riyadh Maliki cũng lưu ý rằng Israel đã không thuyết phục được tòa án rằng nước này không vi phạm “Công ước diệt chủng năm 1948”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích phán quyết này là “thái quá”. Trong một thông báo sau lệnh của tòa án, ông khẳng định rằng Israel đang chiến đấu trong một “cuộc chiến chính nghĩa chưa từng có”. Ông nói thêm rằng Israel sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình và công dân của mình trong khi tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đã chế giễu ICJ sau khi tòa án đưa ra phán quyết tạm thời.
Chính phủ Nam Phi gọi phán quyết của ICJ là một “chiến thắng quyết định” đối với luật pháp quốc tế.
Trong một tuyên bố, chính phủ nước này bày tỏ hoan nghênh các biện pháp tạm thời và chân thành hy vọng Israel sẽ không hành động cản trở việc áp dụng các lệnh của tòa án.
Nam Phi cũng tuyên bố rằng phán quyết này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tìm kiếm công lý cho người dân Palestine, khẳng định Nam Phi sẽ tiếp tục hành động trong khuôn khổ các tổ chức toàn cầu để bảo vệ quyền của người Palestine ở Gaza.
Hamas, lực lượng nắm quyền tại Gaza và là đối tượng tấn công mà Israel nhắm đến, cho rằng phán quyết của ICJ có tầm quan trọng trong “cô lập” Israel.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng phán quyết của ICJ phù hợp với quan điểm của Washington rằng Israel có quyền hành động, phù hợp với luật pháp quốc tế, để đảm bảo vụ tấn công ngày 7/10 không thể lặp lại. Tuy nhiên, Washingotn cho rằng “các cáo buộc về tội diệt chủng là vô căn cứ”.
Nhà nước Qatar hoan nghênh các biện pháp tạm thời do ICJ công bố và nhấn mạnh Israel phải áp dụng mọi biện pháp để ngừng thực hiện các hành động theo “Công ước diệt chủng” trong cuộc chiến chống lại Gaza.
Qatar coi phán quyết này là một chiến thắng nhân đạo và là một chiến thắng cho nhà nước pháp quyền và công lý quốc tế.
Hàng loạt các nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Arab Saudi cũng đồng tình với phán quyết của tòa án.