Việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong nước, từ cấp địa phương, cấp vùng miền đến quy mô toàn quốc đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định hiện hành.
Theo quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 79, các cuộc thi người đẹp cấp quốc gia, thi sắc đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ VHTT&DL cấp phép. Ngoài ra, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chịu trách nhiệm cấp phép cho các cuộc thi người đẹp quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương; còn thi sắc đẹp ở các địa phương sẽ do UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép. Đề án tổ chức tất cả cuộc thi phải nêu rõ tên gọi, mục đích, ý nghĩa, thể lệ cuộc thi, nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức thi, danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng, thời gian trao giải...Cũng theo quy định thì cũng chỉ có các cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia mới được trao danh hiệu Hoa hậu, Á hậu. Còn lại, các cuộc thi cấp nhỏ hơn chỉ được dùng danh xưng Hoa khôi, Á khôi.
Mặc dù quy định là vậy song nhiều đơn vị vẫn lờ đi, biết nếu trình đề án tổ chức thi thì kiểu gì cũng không được cấp phép nên chọn cách cứ tổ chức thi nhưng là thi “chui” dưới nhiều cái mác như: trình diễn thời trang, tổ chức chương trình giao lưu rồi trao giải, tổ chức một phần thi tại Việt Nam rồi còn đâu mang ra nước ngoài trao giải, hoặc tuyển chọn thí sinh trong nước rồi mượn địa điểm ở nước khác để thi (thường là hội trường ở các khách sạn, trung tâm biểu diễn nhỏ để dễ dàng qua mắt cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài)…Đặc biệt, bên cạnh việc sử dụng các danh xưng kiểu như “Nữ hoàng”, “Người đẹp”, “Thần tượng”… thì không ít cuộc thi vẫn ngang nhiên gắn mác “Hoa hậu”, “Hoa khôi” kèm với giải thưởng trao trặng cho thí sinh.
Danh hiệu từ một cuộc thi "chui" bị ném vào thùng rác!
Dư luận vẫn chưa quên vụ việc một cuộc thi được tổ chức “chui” với tên gọi “Nữ hoàng Sắc đẹp Việt Nam 2014” đã qua mắt được cả cơ quan quản lý văn hóa lẫn dư luận khi hoàn thành xong xuôi đêm trao cả đống giải mà không bị phát hiện. Sự việc chỉ vỡ lở khi cô gái được trao giải “Người đẹp hình thể” tức tối quẳng dải băng vinh danh mình trong đêm chung kết vào…thùng rác ngay buổi sáng hôm sau.
Kèm theo đó, cô gái này còn đăng tải dòng “status” rất dài trên trang mạng xã hội cá nhân, đại ý là không cần Ban tổ chức công nhận giải này vì “bố mẹ em sinh ra em, em đã đẹp sẵn như thế rồi!”, đồng thời quả quyết cái cuộc thi này “cấp ao làng quá, kém cỏi quá” trong khi cô sẽ không bao giờ chịu bỏ tiền ra để mua hư danh về làm gì. Không chỉ vậy, chủ nhân của giải thưởng bị quăng vào sọt rác tuyên bố sẽ…tha thứ cho Ban tổ chức như một món quà tặng tới đơn vị này. Nhưng cũng nhờ sự tức tối của cô gái ấy mà cơ quan chức năng mới tả hỏa vào cuộc để thanh kiểm tra và xử phạt đơn vị trên vì đã tổ chức thi mà không xin phép.
Hầu như không có năm nào là không diễn ra các cuộc thi “chui” kiểu như vậy mà thường thì nếu không có sự cố nào xảy ra trước đêm chung kết, hoặc không bị dư luận phát hiện và xôn xao bàn tán thì cơ quan chức năng rất khó nắm bắt. Đặc điểm nhận dạng của các cuộc thi này là thường diễn ra rất chóng vánh, có khi từ lúc công bố tuyển chọn đến lúc thi chỉ có vài ba ngày mà không hiểu lấy đâu ra thí sinh… Và dĩ nhiên, mặc dù cũng “khua chiêng gõ trống” ầm ĩ, tổ chức thi thố tại các địa điểm biểu diễn đàng hoàng, song chẳng cuộc nào dại gì trưng băng rôn là thi sắc đẹp cả, mà che đậy bằng cách giới thiệu là đêm Gala giao lưu, buổi trình diễn thời trang, nghệ thuật…Có thể kể đến những cuộc thi có mẫu số “chui” kiểu như vậy như: Hoa khôi duyên dáng doanh nhân Việt, Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu, Hoa hậu doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu tài năng duyên dáng toàn cầu…
Thi "Thần tượng doanh nhân" nhưng lại trao giải Hoa hậu, Á hậu
Thậm chí, có cuộc còn ngang nhiên đến mức, cấp phép một đằng nhưng tổ chức một nẻo. Như cuộc thi “Thần tượng doanh nhân 2017” được cơ quan quản lý văn hóa địa phương thời điểm đó cấp phép tổ chức với nội dung thi thời trang, ca nhạc. Tuy nhiên đến lúc trao giải thì lại trao giải Hoa hậu, Á hậu cho thí sinh, trong một nốt nhạc đã “hô biến” luôn cuộc này thành cuộc thi sắc đẹp.
Có điều dễ nhận thấy là phần lớn các cuộc thi “chui” đều được gắn liền với hai chữ “doanh nhân”. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc liệu có phải vì doanh nhân có tiền nên bất chấp việc vi phạm các quy định pháp luật để đi, để làm sang thêm cho hình ảnh của mình, đánh bóng thêm thương hiệu cho doanh nghiệp của mình?
Danh hiệu "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam" khiến dư luận bức xúc
Gần đây nhất, “dở khóc dở cười” nhất phải kể đến chương trình tôn vinh “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” diễn ra vào tháng 7-2019 do một đơn vị xuất nhập khẩu về ô tô đứng ra tổ chức. Sự việc chỉ được phát hiện khi trên tấm thiệp mời tham dự đêm chung kết trao giải xuất hiện hàng loạt các danh xưng: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…Tất cả các danh hiệu này khi hỏi ra thì chính cơ quan quản lý văn hóa cũng không biết ở đâu ra, ai trao và trao lúc nào.
Tuy nhiên cũng vì thế mà cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” núp dưới danh nghĩ “chương trình tôn vinh” bị phát hiện là không được cấp phép đúng theo quy định của pháp luật. Ngay như Sở VH&TT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này chỉ tiếp nhận giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình tôn vinh kể trên của Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc chứ không cấp phép cho việc tổ chức chương trình trên dưới hình thức cuộc thi sắc đẹp.
Cuộc thi "Miss Globalher Beauty" vừa bị cơ quan chức năng "tuýt còi"
Cùng với việc mới đây Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra cuộc thi “Miss Globalher Beauty” diễn ra tại một tòa nhà trên địa bàn Hà Nội và phát hiện đây là cuộc thi sắc đẹp “chui”, một lần nữa cho thấy dường như các chế tài xử phạt dường như chưa đủ sức răn đe, cảnh cáo và làm các đơn vị có ý định tổ chức thi sắc đẹp “chui” phải sợ.
Đáng nói là cuộc thi này thu hút khá nhiều người nổi tiếng đồng hành, trong đó diễn viên Ốc Thanh Vân và MC Thái Dũng đảm nhận vai trò dẫn dắt. Sau khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi” và buộc phải dừng lại, dư luận cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc người nổi tiếng lại nhận lời góp phần làm nên việc thi “chui” vi phạm pháp luật.
Ngay lập tức, Ốc Thanh Vân đã lên tiếng cho biết, trước khi chương trình diễn ra, cô và MC Thái Dũng nhận được thông báo là hoãn vì chưa có giấy phép. Sau đó, đơn vị tổ chức lại thông báo rằng cuộc thi đã được thông qua và vẫn diễn ra, do nghĩ rằng các thủ tục xin cấp phép đã hoàn tất nên cô mới nhận lời dẫn.
Như Ý
Hương Giang đóng chính trong phim chuyển giới đầu tiên của Việt Nam
Lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Hương Giang, \'Sắc Đẹp Dối Trá\' là bộ phim lần đầu tiên khai thác đề tài chuyển giới ... |
H"Hen Niê - hoa hậu thay đổi chuẩn mực sắc đẹp Việt
Sau hai năm nhiệm kỳ, H\'Hen Niê nỗ lực phá vỡ nhiều định kiến về hoa hậu, đưa nhan sắc Việt tỏa sáng trên đấu ... |
Đọ vẻ nóng bỏng của 6 nữ hoàng sắc đẹp năm 2019
6 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh trong năm 2019 đã diễn ra và tìm được chủ nhân cho những chiếc vương miện ... |