Trưởng phòng Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) cho biết không có quy định về việc phải xin phép khi tổ chức nhặt rác trên sông. Nhưng khi xuống sông thì phải đảm bảo quy định an toàn của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Nhóm bạn trẻ tổ chức nhặt rác trên một đoạn sông - NVCC
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 17.3, một nhóm bạn trẻ tổ chức chèo thuyền nhặt rác trên đoạn sông thuộc phường Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), nhưng vừa bắt đầu thì công an và UBND phường đến không cho tiếp tục vì chưa báo cáo địa phương. Do đó, hoạt động tình nguyện này phải dừng lại.
Không có quy định nhưng phải đảm bảo an toàn
Sáng 19.3, trao đổi với phóng viên, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết việc UBND phường Thảo Điền không cho nhóm tình nguyện tổ chức nhặt rác trên sông là đúng vì không đáp ứng các yêu cầu của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Ông Sơn cho biết, không phải UBND phường gây khó khăn cho nhóm tình nguyện chèo thuyền nhặt rác trên sông, nhưng để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy thì cần phải đảm bảo các yêu cầu an toàn của Luật.
Ông Sơn phân tích: “Trên sông có nhiều phương tiện thủy lưu thông, khi các bạn nhặt rác không để ý, tàu thuyền khác chẳng may va chạm phải thì sẽ xảy ra tai nạn. Thứ hai là người điều khiển phương tiện ca nô trên sông phải được cấp phép, giống như GPLX khi đi xe máy, ô tô trên đường bộ. Thứ ba là phương tiện sử dụng phải được đăng ký, đăng kiểm để đảm bảo là vẫn hoạt động tốt. Vấn đề nhóm tổ chức phải đảm bảo an toàn cho những người tham gia được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, UBND phường Thảo Điền đã đề nghị ngưng là đúng”.
Về quy định cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhặt rác trên sông, kênh, ông Sơn cho biết không có văn bản nào quy định về vấn đề này. Vớt rác là lĩnh vực Sở Tài nguyên Môi trường phụ trách, còn việc nhóm tổ chức vẫn muốn thực hiện 1 tháng/lần thì cần liên hệ với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn thực hiện các phương án đảm bảo an toàn.
NVCC |
“Vừa rồi UBND giao chúng tôi vớt rác ở một số tuyến như Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Chúng tôi tổ chức bài bản, có phương tiện người lái kiểm tra chặt chẽ, có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, vấn đề an toàn trên hết đủ điều kiện hoạt động. Do đó, nhóm tổ chức nhặt rác có thể liên hệ để phối hợp cùng thực hiện với Sở", ông Sơn nói.
|
‘Sao lại máy móc’
Sau khi đăng tải bài viết, rất nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này. Bạn đọc tên Phước Nhơn bình luận: “Những hành động cao cả tốt đẹp như vậy đúng ra cần phải biểu dương nhân rộng trong xã hội, đằng này lại bắt phải "xin phép"!!! Sao lại máy móc vậy?”
Độc giả tên Hiền thì bức xúc nói rằng trong hệ thống pháp luật Việt Nam có điều nào cấm người nhặt rác trên sông? Và pháp luật không cấm thì công dân có quyền làm, hơn nữa đây là điều tốt cần khuyến khích.
Anh Trần Thanh Dũng thì nêu ý kiến: “Tôi không phản đối với ý kiến các bạn là cần an toàn. Nhưng tôi hỏi thật các bạn có ai không biết bơi mà dám lội xuống nước hay bơi thuyền không? Người ta làm cũng có sự phân công ai dưới nước ai trên bờ hẳn hoi. Nói như các bạn, buổi sáng đi ra công viên chạy bộ cũng cần phải kiểm tra tim mạch xem có đủ sức khỏe mới được chạy à”.
NVCC |
‘Phải báo chính quyền là đúng!’
Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng máy móc trong công tác quản lý, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc buộc nhóm tình nguyện ngưng hoạt động.
Anh Phạm Hải bày tỏ: “Đâu có cấm nhặt rác, chính quyền nói là phải xin phép để tổ chức đảm bảo an toàn cho người nhặt rác thôi. Nhỡ họ nhặt rác mà bị đuối nước thì lúc đó ai chịu trách nhiệm hay lại "đổ thừa" cho chính quyền địa phương quản lý không chặt”.
Độc giả Trần Bắc cũng chia sẻ: “Chính quyền không có cấm, nhưng làm gì cũng phải có sự giám sát. Nếu không may xảy ra chuyện gì ai chịu trách nhiệm?”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Dân cũng bình luận: “Cần phải xin phép hoặc đăng ký là đúng. Không thể để các em học sinh, sinh viên tự bộc phát hoạt động khi chưa được huấn luyện bài bản về cứu nạn cứu hộ và kỹ năng sông nước như bơi lội và kiểm tra sức khỏe bài bản. Nhiệt tình và ý thức về vệ sinh môi trường các em có, nhưng làm việc trên luồng lạch sông ngòi cần phải có cơ quan quản lý về giao thông đường thủy hoặc quản lý địa bàn giám sát nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”.
Muốn bơi thuyền vớt rác trên sông rạch phải xin phép
Một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM thực hiện ý tưởng dùng thuyền vớt rác trôi nổi tại một số kênh rạch bị cơ quan chức ... |