TNGT giảm gần 40% so với 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Từ 25/1 đến 2/2 tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ (giảm 36,69%), giảm 126 người chết (giảm 37,61%), giảm 232 người bị thương (giảm 38,34%).

Theo Cục CSGT, 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ 25/1 đến 2/2 tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người.

So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ (giảm 36,69%), giảm 126 người chết (giảm 37,61%), giảm 232 người bị thương (giảm 38,34%). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 442 vụ, làm chết 207 người, bị thương 372 người. Cả nước xảy ra 1 vụ TNGT đường bộ tại Nam Định, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người chết, 2 người bị thương.  

Tai nạn giao thông giảm gần 40% so với 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn -0
CSGT hướng dẫn giao thông tại Hà Nội.

Tình hình TTATGT trên cả nước cơ bản được đảm bảo; lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, nhất là các ngày trước và sau kỳ nghỉ Tết dẫn đến ùn ứ tại một số tuyến ra vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc, cầu Rạch Miễu (nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre).

Lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nắm tình hình, bố trí phương tiện cẩu kéo cứu hộ; phối hợp phân luồng từ xa, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án của Cục CSGT nên tình hình ùn ứ giao thông trên các tuyến được khắc phục nhanh hơn, sớm đưa tình trạng giao thông trở lại ổn định, bình thường.

Tại TP Hà Nội và các địa phương giáp ranh, tình hình TTATGT trong 9 ngày nghỉ lễ được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài. Tuy nhiên, từ chiều 24/1 đến ngày 25/1, lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến, nhiều tuyến đường xuất hiện tình trạng ùn tắc do quá tải phương tiện di chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh thành, trọng tâm là Vành đai 3, Vành đai 2 và một số tuyến trục chính xuyên tâm thành phố dẫn ra cửa ngõ Thủ đô nhập vào các tuyến cao tốc, quốc lộ.

Hướng từ nội thành đi các tỉnh phía Nam qua Quốc lộ 1A và cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, lưu lượng phương tiện tăng đột biến; từ tuyến Quốc lộ 5, Cổ Linh, Nguyễn Văn Cừ, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, đê Nguyễn Khoái, Vành đai 2 lưu lượng đông, các phương tiện di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc.

Tai nạn giao thông giảm gần 40% so với 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn -1
Người dân chấp hành nghiêm quy định về tín hiệu đèn.
Tai nạn giao thông giảm gần 40% so với 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn -2
Các phương tiện ra vào Hà Nội.

Từ ngày 30/1 đến 1/2, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trong nội thành Hà Nội tăng nhiều so với những ngày trước do người dân đi chơi Tết và đi lễ chùa nhân dịp năm mới, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc giao thông. Chiều 1/2 (mùng 4 Tết), nhiều người dân đã sớm trở lại Hà Nội, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

Trong 9 ngày Tết, tình hình giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các cửa ngõ ra vào thành phố bình thường, ổn định; trên một số tuyến, như: Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận trong các ngày 25, 26, 30, 31/1 và 1/2, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, di chuyển chậm, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc; tuyến QL1, các ngày 25, 26, 30, 31/1 và 1/2, phương tiện tham gia giao thông tăng cao, không xảy ra ùn tắc giao thông.

Khu vực cầu Rạch Miễu vào các ngày 25, 26, 27, 30, 31/1 và ngày 1/2, lưu lượng phương tiện đông, di chuyển chậm. Lực lượng CSGT 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp điều tiết, phân luồng, đảm bảo TTATGT không để xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ngày 25/1 xảy ra 1 vụ TNGT, làm 1 người chết dẫn đến giao thông tại khu vực này bị ùn ứ, lực lượng CSGT của 2 tỉnh đã điều tiết, phân luồng, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Phương Thủy / CAND