Liên tiếp nhiều địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xem xét bổ sung vào quy hoạch để làm sân bay địa phương dù chưa đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế đến đâu.
Tỉnh miền núi hay đồng bằng đều muốn làm sân bay
UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có công văn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn, lập bổ sung Cảng hàng không Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới Cảng hàng không toàn quốc.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch cảng hàng không Hà Tĩnh có diện tích từ 300 ha đến 450 ha tại các xã Thạch Văn huyện Thạch Hà; Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là sân bay dân dụng quốc tế cấp 4C có 2 đường băng với chiều dài lớn hơn 1.800 m. Các đường bay dự kiến khai thác tại sân bay này là Hà Nội, TP.HCM, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Sân bay có năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách/năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách/năm.
Tỉnh Cao Bằng đã nhiều lần kiến nghị bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch |
Trước đó, một tỉnh kinh tế còn khiêm tốn như Cao Bằng cũng muốn có sân bay. Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung Dự án sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030 để tạo điều kiện cho tỉnh này có cơ sơ tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư sân bay trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đây, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều lần đề xuất dự án đầu tư sân bay Cao Bằng với các bộ, ngành Trung ương với vị trí lựa chọn cách TP Cao Bằng 13 km về phía Đông Nam. Đây là sân bay nội địa dùng chung giữa dân dụng và quốc phòng.
Trong khi đó, tại Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, sân bay Cao Bằng không có trong quy hoạch.
Mới đây, tỉnh Ninh Thuận cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất khảo sát, bổ sung lập quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với vai trò là cảng hàng không lưỡng dụng kết hợp phục vụ quân sự và dân dụng.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, sân bay Thành Sơn có diện tích khoảng 20 km, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn tĩnh không và an toàn hành lang bay, có đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ bay hòa mạng quốc gia.
UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, nhu cầu vận chuyển hành khách du lịch và nhà đầu tư đến các cơ sở kinh tế, du lịch tại Ninh Thuận đang tăng rất nhanh, có thể lên tới năm triệu lượt người/năm, là thị trường lớn cho ngành hàng không.
Không chỉ vậy, Bộ GTVT còn nhận được kiến nghị của một số địa phương đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên).
Quy hoạch mạng lưới sân bay phải đảm bảo hợp lý
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2019, cả nước có 23 cảng hàng không đang khai thác vận chuyển thương mại, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh, Phú Bài, Cát Bi, Vân Đồn). Riêng khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, gồm 14 địa phương) đã có 9 sân bay.
Đáng nói, trong số 23 sân bay hiện hữu hiện nay, nhiều sân bay chưa hoạt động hết công suất thiết kế, một số sân bay còn khá vắng khách như Cần Thơ, Vân Đồn… Do vậy, một số sân bay cần phải tính toán lại.
Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Bách Tùng cho rằng, không phủ nhận, việc xây dựng sân bay sẽ tác động du lịch, phát triển kinh tế, nhưng cái khó là nếu tỉnh nào cũng muốn làm sân bay thì lại thành tràn lan.
Cụ thể như sân bay Cao Bằng, tỉnh này chỉ có đường bộ độc đạo nên chủ trương phát triển hàng không là phù hợp.
Nhưng, điểm khó khăn của Cao Bằng là đồi núi nhiều, không dễ tìm được vị trí bằng phẳng và có 200-300 ha đất để xây dựng sân bay.
Ở góc độ kinh tế, chuyên gia hàng không Phạm Văn Tới cho rằng, hai sân bay Cao Bằng và Quảng Trị đều chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế vì lượng hành khách không nhiều.
Quy hoạch sân bay nào cũng phải xét yếu tố kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, ngày nay yếu tố kinh tế cần được đưa lên hàng đầu vì theo chủ trương xã hội hóa, nếu đầu tư không có lợi sẽ không thu hút doanh nghiệp tham gia, quy hoạch không khả thi.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, Cục Hàng không sẽ hoàn thành và trình Bộ GTVT nghiên cứu quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không trong quý 4 năm nay. Số lượng các cảng sẽ được rà soát và báo cáo Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo sự phân bổ hợp lý và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không.
Đánh giá về đề xuất của các địa phương, ông Thắng cho rằng, việc lập quy hoạch không có nghĩa là đầu tư ngay. Quy hoạch cảng hàng không được tính toán theo thời kỳ quy hoạch cụ thể, đảm bảo sự đồng bộ của mạng cảng hàng không toàn quốc, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Nhiều băn khoăn khi Hà Nội đề xuất xây sân bay thứ hai ở Ứng Hòa
Việc TP Hà Nội mới đây đề xuất xây sân bay thứ hai ở Ứng Hòa đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong ... |