Mới đầu tháng tư, bước chân ra phố đã thấy đôi ba chiếc xe đạp bán hoa rong chở những bó hoa loa kèn, cánh hoa trắng tinh như nắng, làm sáng cả một góc phố. Tôi đứng bần thần mất mấy giây rồi mới chợt nhớ: “Tháng tư đến rồi. Hoa loa kèn cũng đã nở rồi”.
Màu của sự trong trắng
Tôi yêu hoa loa kèn, thích hoa loa kèn và nhớ hoa loa kèn bắt đầu từ một câu chuyện tình yêu. Dạo năm 1986, tôi được điều từ một đơn vị đóng quân trên biên giới về Hà Nội. Một sáng sau Tết có cô bạn thân của vợ tìm đến chơi nhà. Sau hồi đôi bạn gái tíu tít hỏi han nhau, sau hồi những câu chuyện con cà con kê kết thúc, cô bạn tên Linh mới thỏ thẻ: “Em mời vợ chồng anh đến ngày... tháng tư này tới dự lễ cưới của em ạ!”.
Chờ cho cô bạn dắt xe đạp ra khỏi ngõ tôi mới thủng thẳng đạp xe chở vợ đi thăm họ hàng. Trên đường đi bà xã cứ mấy lần nhắc tôi cố gắng xin phép đơn vị cho nghỉ để về ăn cưới cô bạn. Tôi “nhã nhặn” hỏi lại: “Sao Linh lại chọn ngày đầu hè để tổ chức lễ cưới nhỉ…?”. Tôi bỏ lửng câu hỏi mà thực ra cũng suýt bật ra câu trả lời: “Hay là...”. Vợ tôi véo vào sườn một cái đau điếng. Tôi nhăn mặt gắng chịu. Cũng phải thôi, ai bảo ăn nói linh tinh làm mất thể diện bạn của vợ. Đợi cho tôi tan cơn đau, vợ tôi mới nhẹ nhàng: “Em cũng nghi nghi nên đã hỏi lại Linh. Hóa ra nó và anh Thịnh quen và yêu nhau bắt đầu từ hoa loa kèn anh ạ. Vậy nên vợ chồng nó quyết định tổ chức lễ cưới vào ngày Hà Nội có hoa loa kèn nở. Nó bảo, trên bàn cưới của vợ chồng tao chỉ cắm hoa loa kèn thôi. Hoa cưới cho cô dâu cũng là một bó hoa loa kèn”.
Hoa loa kèn trắng tinh khôi mang tới khoảnh khắc dịu dàng giữa lòng đô thị |
Đúng là tình yêu cũng có nhiều điểm xuất phát đáng nhớ. Tôi nói đùa: “Thế chẳng nhẽ quen nhau và yêu nhau vào đúng hôm hoa xuyến chi nở thì phải ra đồng để nhổ cỏ à?”. Vợ tôi lại véo thêm cái nữa, lần này thì nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là cảnh cáo kiểu ăn nói vô tổ chức của tôi: “Anh thấy hoa loa kèn có đẹp không? Màu trắng tinh khôi, quá hợp với tình yêu trong trắng”. Tôi gật gù và hô “đã rõ” theo đúng kiểu nhà binh và chợt nhớ đến bức tranh nổi tiếng của danh họa Tô Ngọc Vân, bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Họa sĩ bậc thầy này đã miêu tả một thiếu nữ Hà thành mặc áo “tân thời” (áo dài) đang ngồi, một tay cô vén mái tóc dài, dáng hơi cúi vẻ e lẹ, đặc biệt là ánh mắt như đang nhìn chăm chú vào bông hoa loa kèn, một tay cô nâng hờ cánh hoa.
Hội họa và tình yêu
Hoa loa kèn là loài hoa du nhập vào nước ta nên dân gian cứ gọi đó là “hoa huệ tây”, bởi dáng của bông hoa cũng nhang nhác bông hoa huệ vậy. Tuy nhiên, hoa loa kèn to hơn và vẻ sáng trong của nó đẹp đến nỗi người ta không dùng hoa loa kèn giống như dùng hoa huệ. Hoa loa kèn được tôn vinh hơn, yêu thích hơn. Họa sĩ Tô Ngọc Vân khi đặt tên cho bức tranh đã gọi đó là hoa huệ, chắc là để cho tên hoa gần gụi với quần chúng, chứ gọi là hoa loa kèn thì nghe nó “tả thực” quá.
Tôi dừng chân bên một cô bán hoa, cô vừa cho xe tấp vào sát hè phố, đấy là chỗ để cô bán những bông hoa đẹp tuyệt vời của mình cho khách qua đường. Quả là hoa loa kèn đẹp và hút mắt thật. Cô bán hoa vừa đứng chưa “ấm chỗ” đã thấy mấy cô mấy cậu thanh niên phanh xe máy đánh “két”. Họ tíu tít hỏi mua hoa. Hoa đẹp, lại đúng đầu mùa nên dù có hơi đắt một chút nhưng khách vẫn hỏi mua ào ào. Loáng một cái, mấy bó hoa loa kèn đã rung rinh trên tay các cô cậu thanh niên rồi họ vù ga đi mất. Chắc là họ sợ bị người khác mua tranh mất hoa hay sao ấy!
Dù vội đến mấy nhiều người vẫn sẵn lòng dừng chân ghé lại những gánh hoa ven đường để chọn mua vài cành loa kèn đầu mùa thật đẹp |
Hoa loa kèn còn có tên gọi khác là hoa bách hợp, người Đà Lạt lại gọi là hoa ly bởi gọi theo phiên âm tiếng Pháp là “fleur de lys”. Hoa loa kèn có xuất xứ và là loài hoa bản địa của quần đảo Ryukyu (phía Nam Nhật Bản và Đài Loan). Sau này giống hoa này phát triển ra khắp thế giới và dĩ nhiên là nó được người Pháp đưa vào Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ cũng như sản xuất hoa loa kèn ngày càng tăng, điển hình là ở một số nước như Hà Lan, Pháp, Đức, Italia, Canada, Bỉ...
Tôi đưa tay đón nhận bó hoa loa kèn mà cô bán hoa đã khéo léo giấu đi dành cho mình. Từ bó hoa một mùi hương nhẹ nhàng lan tỏa, trong tôi như dấy lên cảm giác khoan khoái, dễ chịu.