Tình hình tại Mỹ đang tệ nhưng sao chứng khoán lại tốt?

Việc chứng khoán Mỹ khởi sắc lúc này được lý giải bằng một ảo vọng rằng "nhà đầu tư biết điều gì mà hàng triệu người đang đối mặt thất nghiệp không hay". 

Chết chóc và tuyệt vọng đang bao trùm nước Mỹ. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hai tuần qua gấp khoảng 10 lần so với kỷ lục trước đó và có lẽ cũng chưa phản ánh đầy đủ vì hệ thống xử lý của chính phủ quá tải. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa vô thời hạn. Những gì đang diễn ra cho thấy nguy cơ sẽ có một Đại suy thoái nữa diễn ra.

Tuy nhiên, đến khép phiên ngày 9/4, S&P 500 đã tăng 25% so với mức thấp gần đây, tức hôm 23/3. Tính chung cả tuần đến 9/4, S&P 500 tăng 12,1%, mức tăng trong một tuần cao nhất kể từ năm 1974. Tính ra, nó chỉ giảm khoảng 14% trong năm nay, và tăng so với 11 tháng trước. Sự song hành cực đoan của một nền kinh tế đang rơi tự do và một thị trường chứng khoán đang tốt bao gồm khá nhiều lý do.

Có hai lực mạnh mẽ đang đẩy theo hai hướng khác nhau. Thương mại đang bị gián đoạn đến độ dường như là "không thể ngờ" chỉ trong vài tuần. Nhưng đồng thời, các nhà đầu tư chứng khoán đang đặt cược rằng các can thiệp mạnh mẽ từ Washington - bao gồm việc Fed bơm thêm 2.300 tỷ USD - sẽ đủ để các doanh nghiệp lớn vực dậy với ít thiệt hại đến lợi nhuận dài hạn.

tinh hinh tai my dang te nhung sao chung khoan lai tot

Một nhân viên giao dịch trên sàn New York đeo khẩu trang trong phiên ngày 19/3. Ảnh: EPA

 

Đó là một trận chiến giữa sụp đổ kinh tế và công cuộc bơm tiền của chính phủ liên bang.

Đối với thị trường chứng khoán, ít nhất thì sức mạnh của việc bơm tiền đang chiến thắng.

Gene Goldman, Giám đốc đầu tư của Cetera Investment Management cho biết, một nghịch lý là số lượng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao chóng mặt thậm chí có thể được xem là hữu ích cho thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, nó càng làm tăng áp lực chính trị lên Quốc hội để tăng cường các biện pháp giải cứu, bổ sung thêm cho gói 2.000 tỷ đã thông qua.

"Hãy tưởng tượng bạn là một nghị sĩ đảng Dân chủ hay Cộng hòa đang thảo luận về 16 triệu người thất nghiệp", Gene Goldman nói, "Nó thực sự tạo ra nhiều áp lực để lưỡng đảng hỗ trợ gói kích thích tiếp theo".

Các công ty tạo nên các chỉ số chứng khoán lớn có xu hướng tiếp cận vốn đáng tin cậy, đặc biệt là sau các hành động mới nhất của Fed để hỗ trợ cho vay doanh nghiệp. Họ có nhiều khả năng hơn các doanh nghiệp nhỏ và thuộc sở hữu độc lập, để thoát khỏi khó khăn cũng như vượt lên trên về thị phần và lợi nhuận.

Các nhà phân tích dự báo thu nhập của công ty này sẽ bị ảnh hưởng tương đối nhẹ. Họ cho rằng các công ty trong S&P 500 sẽ chỉ bị giảm 8,5% thu nhập trong năm 2020, với doanh thu chỉ giảm 0,1%, theo Factset.

Ngoài ra, những gì đang thể hiện trên thị trường chứng khoán còn do các yếu tố kỹ thuật.

Cụ thể, một số mã hoạt động mạnh nhất trên thị trường lại là các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 như các công ty du lịch, chuỗi khách sạn và hãng hàng không. Điều đó cho thấy có động lực từ việc "bán non" (short squeeze). Nó là tình huống mà giá cổ phiếu tăng lên, và nhiều người kết thúc vị thế bán của mình để cắt lỗ, và càng tạo thêm sức ép tăng giá cho cổ phiếu đó.  

Cùng với đó, Saudi Arabia và Nga rõ ràng đã đạt được thỏa thuận "ngừng bắn" trong cuộc chiến giá dầu. Quyết định giảm mạnh nguồn cung đến 10 triệu thùng giúp giá dầu hồi phục. Đây là tin tốt cho các công ty dầu mỏ đã ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm mạnh.

Cuối cùng, dòng tiền đầu tư vào các khoản đầu tư an toàn, cả từ những người tiết kiệm cá nhân và Fed, đang đẩy lãi suất dài hạn xuống. Việc này khiến lợi nhuận trong tương lai của cổ đông, dù yếu hay thiếu chắc chắn, vẫn hấp dẫn hơn hồi lãi suất còn cao.

Giá cổ phiếu luôn dựa trên việc thế giới sẽ như thế nào trong tương lai, không phải hiện tại. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá cổ phiếu đã chạm đáy vào tháng 3/2009. Nền kinh tế đã không phục hồi lại cho đến tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10 mới đạt đỉnh.

Giá cả thị trường hiện tại cho thấy các nhà đầu tư đang trông chờ vào sự phục hồi nhanh chóng.

"Nếu điều này không diễn ra lâu hơn dự kiến, tức là mất 3 đến 6 tháng tính từ khi chúng ta "tắt" đến khi "bật" lại nền kinh tế, thì thị trường đã tính đến điều đó và đang nhìn về phía trước", Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia đầu tư của Leuthold Group, cho biết. Theo ông, mức giá trên thị trường hiện chưa tính đến trường hợp virus ảnh hưởng dài đến 3-4 quý.

Trong thực tế, thị trường tài chính đang đặt cược ở một mức nhất định rằng mọi thứ có thể trở lại bình thường sớm. Giá cổ phiếu đang cho thấy giả định rằng một loạt các thất bại sẽ không xảy ra. Rằng mất việc làm trên diện rộng và giảm thu nhập sẽ không dẫn đến đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp. Rằng mọi người sẽ có một công việc trở lại và sẽ sẵn sàng chi tiêu khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng giảm xuống.

Tất cả mọi thứ về cuộc khủng hoảng này đã diễn ra vô cùng nhanh chóng, với nền kinh tế chuyển từ suy thoái hoàn toàn sang suy thoái kinh khủng trong vòng vài tuần. Còn thị trường tài chính thì đang nhìn trước một thế giới tương lai có thể diễn ra. Trong đó, hàng nghìn tỷ USD từ kho bạc và Fed được tung ra để cứu chữa và ngăn chặn thiệt hại lâu dài của đại dịch.

"Thị trường chứng khoán trong thời kỳ căng thẳng có thể khá hưng phấn", Jason Pride, Giám đốc đầu tư tài sản tư nhân của Glenmede, nhận định. Còn theo New York Times, đây đang là một thời điểm bất thường, khi mà chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng các nhà đầu tư chứng khoán có thể biết điều gì đó mà hàng triệu người đang đối mặt với tình hình kinh tế thê thảm lại không biết.

Phiên An (theo The New York Times)

tinh hinh tai my dang te nhung sao chung khoan lai tot Thông tin tích cực giúp thị trường chứng khoán duy trì đà tăng
tinh hinh tai my dang te nhung sao chung khoan lai tot Điều gì khiến chứng khoán tăng mạnh nhất 19 năm
tinh hinh tai my dang te nhung sao chung khoan lai tot Phố Wall thêm tuần giảm điểm
tinh hinh tai my dang te nhung sao chung khoan lai tot Phố Wall khởi sắc nhờ giá dầu tăng vọt
/ vnexpress.net