Mexico ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, Panama thông báo các biện pháp cách ly nghiêm ngặt mới, dịch bệnh có dấu hiệu chậm lại tại Tây Ban Nha và Italy, còn Anh chi 75 triệu bảng đưa công dân về nước
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, miền Đông Pháp, ngày 22/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 30/3, trước tình trạng số ca mắc bệnh và tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày một tăng cao, Chính phủ liên bang Mexico đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.
Cơ quan y tế Mexico cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm mục đích làm cho người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết nhằm giảm tốc độ truyền nhiễm và tránh việc hệ thống y tế bị quá tải.
Theo Thứ trưởng Y tế Hugo López-Gatell, hàng loạt các biện pháp được áp dụng ngay nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, gồm đình chỉ ngay lập tức các hoạt động không cần thiết trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị từ 50 người trở lên và tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.
Bộ Y tế Mexico thông báo số ca dương tính với virus SARC-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 1.094 người, trong đó có 28 ca tử vong, và 2.752 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Theo thống kê, 14% trên tổng số ca bệnh cần chăm sóc y tế, trong đó 5% đang ở tình trạng nguy kịch.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hai thống đốc bang và hai nghị sỹ xét nghiệm dương tính với SARC-CoV-2. Bộ trên cho biết dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ lãnh thổ Mexico và nhận định, trong những ngày tiếp theo, số ca mắc bệnh và tử vong sẽ tiếp tục tăng. Dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ rơi vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm.
Trong một diễn biến khác, ngày 30/3, Chính phủ Panama thông báo các biện pháp cách ly nghiêm ngặt mới trong nỗ lực làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 1/4, đàn ông và đàn bà sẽ chỉ được ra khỏi nhà 2 giờ/lần và vào các ngày khác nhau trong tuần.
Cụ thể, đàn ông được phép đi siêu thị hoặc ra hiệu thuốc vào ngày thứ Ba, Năm, Bảy, trong khi phụ nữ được phép vào ngày thứ Hai, Tư, Sáu. Không ai được ra ngoài vào ngày Chủ nhật.
Biện pháp mới sẽ được áp đặt trong 15 ngày. Trước đây, các quy định cách ly của Panama không dựa trên giới tính.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng An ninh Juan Pino cho biết: "Biện pháp cách ly tuyệt đối này là nhằm cứu sự sống của chính bạn." Theo ông, hơn 2.000 người đã bị bắt giữ trong tuần trước vì không tuân thủ quy định về cách ly. Hiện Panama đã ghi nhận 1.075 ca nhiễm và 27 ca tử vong.
Cùng ngày, tàu bệnh viện quân sự USNS Comfort với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ thành phố New York nói riêng và bang cùng tên nói chung của Mỹ đang gồng mình chống chọi với COVID-19.
Phát biểu với báo giới, Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo cho rằng cần lên kế hoạch chống dịch bệnh COVID-19 quyết liệt trong 2 tuần, 3 tuần, 4 tuần ngay từ bây giờ và "phải đảm bảo rằng chúng ta ở trong thế thắng trong cuộc chiến này."
Bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Mỹ. Hiện bang này đang tăng cường năng lực của bệnh viện và chạy đua với thời gian khi đỉnh điểm của dịch bệnh được dự báo đang đến gần.
Theo kế hoạch, tàu USNS Comfort sẽ chăm sóc cho những người dân New York cần điều trị tích cực không liên quan đến virus SARS-CoV-2 nhằm giảm gánh nặng cho một mạng lưới bệnh viện hiện đã quá tải.
Mỹ hiện có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Theo số liệu của worldometers.info cập nhật 12h30 ngày 31/3 (giờ Việt Nam) với 164.253 bệnh nhân và 3.167 người tử vong. Số ca tử vong tại bang New York ước khoảng 1.200 ca.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 30/3, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết tốc độ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đang có dấu hiệu chậm lại.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Y tế Tây Ban Nha xác nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện là 85.195 người và số ca tử vong là 7.340.
Theo Bộ trưởng Illa, trong 2 ngày qua số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha đã giảm - từ 8.189 ca trong ngày 28/3 xuống còn 6.549 ca trong ngày 29/3 và 6.398 ca trong ngày 30/3.
Dấu hiệu giảm này diễn ra vào thời điểm đánh dấu 2 tuần đầu tiên Chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 14/3. Theo ông Illa, dịch bệnh đang "chậm dần" ở Tây Ban Nha và ngày 25/3 đánh dấu bắt đầu chiều hướng giảm.
Ông Illa nêu rõ sắc lệnh được Chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez ban bố đêm 29/3, theo đó dừng tất cả các công việc không cần thiết kể từ ngày 30/3 cho tới ngày 12/4, là nhằm làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande - Marlaska khẳng định hiện không có khó khăn về các nguồn cung thực phẩm, vì vậy người dân không cần phải tích trữ. Ngoài ra, ông cho biết đất nước đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Cũng trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 30/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa nước này ít nhất đến giữa tháng 4 tới.
Phát biểu với tờ "El Pais" của Tây Ban Nha, ông Giuseppe Conte cho biết việc phong tỏa đất nước Italy trong gần 3 tuần qua rất khó khăn về kinh tế và không thể kéo dài quá lâu. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể nghiên cứu các cách thức nới lỏng phong tỏa, nhưng sẽ phải thực hiện dần dần."
Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza sau đó thông báo tất cả các biện pháp kiểm soát dịch sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 12/4.
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 tại nước này vẫn gia tăng, nhưng có dấu hiệu tốc độ lây lan dịch chậm lại sau vài tuần áp đặt lệnh phong tỏa cả nước. Cơ quan trên cho biết số người mắc COVID-19 tại vùng tâm dịch Lombardy ở miền Bắc Italy đã giảm lần đầu tiên sau hơn 2 tuần tăng liên tiếp.
Đáng mừng, chỉ trong 24 giờ qua, đã có 1.590 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh và đây là con số cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Italy. Thứ trưởng Y tế Pierpaolo Sileri cho rằng những thống kê mới nhất này cho thấy tốc độ lây nhiễm dịch bệnh sẽ bắt đầu giảm trong vòng 7-10 ngày tới.
Liên quan dịch bệnh COVID-19 tại Anh, tại cuộc họp báo chính phủ ngày 30/3, Ngoại trưởng Dominic Raab thông báo London sẽ chi 75 triệu bảng Anh (92,25 triệu USD) để thực hiện các chuyến bay đưa công dân đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước.
Theo đó, Chính phủ Anh sẽ thuê bao trọn gói các chuyến bay đến đón công dân ở những điểm mà tạm thời các chuyến bay thương mại không được khai thác.
Những chuyến bay đưa công dân Anh về nước sẽ được thực hiện trong tuần này, ưu tiên những người cao tuổi, những người cần chăm sóc y tế và ưu tiên đến các nước có nhiều công dân Anh đang mắc kẹt./.
Cuộc sống “không ra đường” của người dân trên thế giới giữa dịch Covid-19
Ban công, mái nhà, hay những ô cửa sổ trở thành những nơi mọi người giao tiếp hoặc truyền tải những thông điệp tích cực ... |
Các quốc gia đưa ra quy định nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19
Tây Ban Nha có lẽ là nước đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Kể từ khi nước này tiến hành ... |