Bộ GD-ĐT cho phép ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo với SCUPS, nơi ông Xuân Anh lấy bằng Ths, TS, nhưng không công nhận bằng cấp trường này.
Liên quan đến việc Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, báo Tuổi trẻ đã tìm hiểu, làm rõ nhiều thông tin xung quanh trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS), nơi ông Xuân Anh lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ hệ chính quy chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Theo báo này, Bộ GD-ĐT đồng ý cho ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở mục sau ĐH với SCUPS (trong văn bản của Bộ GD-ĐT gọi là Trường ĐH chuyên ngành Nam California - Hoa Kỳ) từ năm 1999.
Thời điểm đó, SCUPS chưa được kiểm định chất lượng tại Mỹ. Trường này (sau này được đổi tên thành California Southern University) được kiểm định lần đầu tiên năm 2010.
Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: NLĐ |
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quy định: văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình này đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận, và được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo, hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Với quy định như thế, Bộ GD-ĐT từng không công nhận bằng tiến sĩ từ SCUPS của phó hiệu trưởng một trường ĐH. Lý do: bằng đào tạo từ xa, và khi bằng được cấp, trường chưa được kiểm định tại Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Anh nhận bằng tiến sĩ của SCUPS vào thời điểm tháng 12/2006, khi trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào.
Trong khi đó, các chứng nhận kiểm định chất lượng do các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá và công nhận chính là tiêu chí quan trọng đầu tiên, để xác định chất lượng bằng cấp, chương trình đào tạo của một trường đại học tại Hoa Kỳ.
Vì vậy, theo đánh giá của hai chuyên gia về giáo dục đại học ở Mỹ khi trao đổi với báo Tuổi Trẻ, tấm bằng tiến sĩ từ SCUPS của ông Nguyễn Xuân Anh tuy không phải là bằng bất hợp pháp, nhưng có giá trị chất lượng rất thấp, nếu đối chiếu theo các tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Mỹ.
Ngay cả ở Mỹ, tấm bằng tiến sĩ nói trên hầu như không có giá trị sử dụng, sẽ không có doanh nghiệp, tổ chức nào chấp nhận tấm bằng này trong tuyển dụng. Đơn giản, vì bằng cấp của một cơ sở giáo dục đại học không có chứng chỉ kiểm định thường bị coi là vô giá trị.
Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có nhiệm vụ đưa thông tin tuyển sinh của SCUPS đến các đơn vị, người học và bố trí địa điểm học tập.
Toàn bộ quá trình đào tạo - như xét hồ sơ thí sinh, quyết định công nhận học viên, cử giảng viên của SCUPS giảng dạy, nội dung các học phần, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, đánh giá kết quả học tập, đánh giá luận văn, xét tốt nghiệp, cấp bằng... đều do SCUPS đảm nhiệm.
ĐH Bách khoa Hà Nội hợp tác với SCUPS tuyển sinh tại Việt Nam các khóa 1999, 2000 và 2001. Sau năm 2001, chương trình không còn tuyển sinh nữa. Việc đào tạo kết thúc vào năm 2003. Từ năm 2003 trở đi, ĐH Bách khoa Hà Nội không còn hợp tác với SCUPS.
Theo thông tin từ SCUPS, đã có 229 học viên trong chương trình được SCUPS cấp bằng.
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tin-moi-ve-bang-cap-ong-nguyen-xuan-anh-3343723/)
Chủ tịch Đà Nẵng nói về sai phạm trong quản lý đất đai
Ông Thơ nhìn nhận: \'Sự việc xảy ra rồi, xử lý rồi nhưng người đứng đầu cũng bị xử lý nặng. TP chúng ta còn ... |
"Chuyện không hay của Đà Nẵng được nêu quá nhiều"
“Thời gian gần đây, nhiều chuyện không hay của thành phố được nêu nhiều hơn các mặt tích cực”, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh ... |
"Ngày định mệnh" và cơn ác mộng xe sang biển xanh
Hai chiếc xe sang biển xanh, một ở Hậu Giang, một ở Đà Nẵng - đều là những món quà tri ân của tư nhân ... |
Ông Huỳnh Đức Thơ: Đừng phân tâm, bàn chuyện ai đi ai ở
Không được phân tâm vào bất cứ việc gì, đừng lo bàn chuyện ai đi hay ở mà không hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch ... |