Tín hiệu nguy hiểm trên Bán đảo Triều Tiên

Những động thái “ăn miếng trả miếng” đang diễn ra ngày càng dồn dập trên Bán đảo Triều Tiên khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vừa triển khai cuộc tập trận hải quân chung có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đúng một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn.

Theo Yonhap, cuộc tập trận chung diễn ra từ 15-17/1 ở vùng biển phía Đông Nam ngoài khơi đảo Jeju có sự tham gia của 9 tàu chiến từ liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS Carl Vinson. Về phần mình, Hàn Quốc đã điều động các tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, trong khi Nhật Bản triển khai các tàu khu trục lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Trong một thông báo, lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản cho biết cuộc tập trận được thực hiện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa ba nước nhằm ứng phó với các vấn đề an ninh trong khu vực và thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc củng cố trật tự quốc tế cởi mở và tự do dựa trên luật lệ.

qt (1).jpg -0
Tàu sân bay USS Carl Vinson tham gia cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: US Navy

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) lại khẳng định cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của ba quốc gia trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cuộc tập trận tập trung vào việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh trên biển, bao gồm ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt và tăng cường hợp tác ba bên trong việc thiết lập trật tự quốc tế. Cũng theo JCS, cuộc tập trận ba bên lần này là cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên được tiến hành kể từ khi Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cùng nhau thiết lập kế hoạch huấn luyện kéo dài nhiều năm vào ngày 19/12 năm ngoái. Giới quan sát cho rằng đây là cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, và cũng là động thái mới nhất nhằm cụ thể hóa kế hoạch huấn luyện mà ba quốc gia đã ký, đồng thời là bước đi mới nhất nhằm tăng cường khả năng hợp tác của liên minh.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) như một phần của hoạt động thường xuyên nhằm phát triển các hệ thống vũ khí mạnh mẽ. Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa mang đầu đạn siêu thanh được phóng vào chiều 14/1 nhằm kiểm tra khả năng kiểm soát và ổn định bay của đầu đạn cũng như độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn của tên lửa. Tuyên bố của KCNA nêu rõ: “Vụ thử nghiệm không gây ra bất kỳ tác động nào đến sự an toàn các nước láng giềng của chúng tôi và không liên quan tới tình hình an ninh khu vực”.

Trên thực tế, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây trở nên căng thẳng sau nhiều vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như các vụ bắn đạn pháo từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ các cuộc tập trận bắn đạn thật. Phía Mỹ - Nhật - Hàn cho rằng việc mở rộng tập trận chung là nhằm đối phó với hoạt động thử nghiệm vũ khí ngày càng tăng cường của Triều Tiên, trong khi Triều Tiên luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Washington, Tokyo và Seoul là động thái tập dượt cho âm mưu xâm lược Bình Nhưỡng khiến nước này phải tăng cường khả năng phòng vệ.

Nhận định về các động thái mới Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik hôm 16/1 đánh giá Triều Tiên dường như đã đạt “một số tiến bộ” trong mục tiêu phát triển tên lửa siêu vượt âm. Ông Shin Won-sik cho biết tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng có đầu đạn hình nón giống tên lửa siêu vượt âm mà Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng 1/2022. Theo ông Shin Won-sik, sự khác biệt giữa hai loại tên lửa này là nhiên liệu. Theo đó, tên lửa được thử nghiệm trong vụ phóng năm 2022 sử dụng nhiên liệu lỏng, trong khi tên lửa lần này dùng nhiên liệu rắn vừa mới phát triển. Tên lửa nhiên liệu rắn được cho là khó bị phát hiện trước khi phóng hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng vốn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước lúc khai hỏa, trong đó có việc bơm nhiên liệu.

Tại Đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên năm 2021, vũ khí siêu vượt âm nằm trong danh sách vũ khí công nghệ cao mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ phát triển. Đáng chú ý, thời điểm cuộc tập trận giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra cũng trùng với thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ cam kết lâu dài về tiến trình hòa bình thống nhất với Hàn Quốc, đồng thời đề nghị sửa đổi lại Hiến pháp của nước này nhằm xác định lại mối quan hệ với Hàn Quốc. Tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA - tức Quốc hội) khóa XIV vừa diễn ra, Triều Tiên cũng quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều. Ông Kim Jong-un đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không công nhận đường biên giới trên biển thực tế giữa hai nước - Đường Giới hạn Phía Bắc (NLL).

Giới quan sát đánh giá rằng Bán đảo Triều Tiên, vốn không ngừng nóng lên trong năm 2023 với liên tiếp các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, lại tiếp tục tăng nhiệt trong những ngày đầu năm 2024. Trong một diễn biến có liên quan, Phó Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Triều Tiên Jung Pak hôm 18/1 đã có cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tham vấn và phối hợp phản ứng liên quan trước các hành động của Triều Tiên. Song, căng thẳng giữa các bên sẽ khó hạ nhiệt nếu như không thể tìm được tiếng nói chung hoặc sự đồng thuận thông qua đàm phán.

https://cand.com.vn/Quoc-te/tin-hieu-nguy-hiem-tren-ban-dao-trieu-tien-i720595/

An Nhiên / cand.com.vn